Không đùn đẩy, né tránh trong việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia
Ngày 25-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT (Ban chỉ đạo) đã chủ trì họp phiên thứ 8.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT. Tại đầu cầu Đồng Nai, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì phiên họp.
10ha còn lại của dự án sân bay, Đồng Nai sẽ hoàn thành thu hồi trong tháng 12-2023
Đồng Nai hiện là một trong những địa phương có nhiều công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT đang được triển khai thực hiện trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, hiện nay, đối với khu vưc khoảng 5 ngàn ha xây dựng sân bay Long Thành, địa phương đã hoàn thành thu hồi gần 99,5% diện tích.
“Phần diện tích còn lại hơn 10ha sẽ hoàn thành thu hồi trong tháng 12-2023” - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Đối với diện tích mặt bằng thực hiện dự án 2 tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành (T1, T2) hiện tỉnh đã cơ bản hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư toàn bộ diện tích tuyến T1. Riêng tuyến T2, cũng đã bàn giao gần 40ha trên tổng số hơn 50ha phục vụ công trình.
Tại dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, địa phương cũng đang yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ công tác kiểm kê tại cả 2 dự án thành phần 1 và 2. Đồng Nai cũng đã hoàn thành công tác phê duyệt giá đất đối với toàn bộ dự án đoạn đi qua địa bàn tỉnh.
Với dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM, H.Nhơn Trạch đã xét tái định cư cho 400/749 hộ bị ảnh hưởng. UBND H.Nhơn Trạch cũng đã hoàn thành công tác kiểm đếm hiện trạng, hiện đang triển khai công tác thẩm tra nguồn gốc đất; đã phê duyệt giá đất dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác chuẩn bị đầu tư, về vật liệu xây dựng, về giải phóng mặt bằng và về triển khai thi công… các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương sớm hỗ trợ địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp, thực hiện thu hồi diện tích đất các tổ chức.
Đặc biệt, tại dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an xem xét, chấp thuận cho Trường Giáo dưỡng số 4, Bộ Công an bàn giao trước mặt bằng diện tích hơn 11,8ha đất an ninh đang quản lý sử dụng về cho địa phương để triển khai thi công. Song song đó, địa phương sẽ phối hợp thực hiện quy hoạch sử dụng đất an ninh, sắp xếp xử lý đối với cơ sở nhà đất của Trường Giáo dưỡng số 4.
Phát huy tinh thần tiến công, chủ động, tích cực, quyết liệt hơn nữa
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đến nay, đã có 34 dự án (86 dự án thành phần) trên địa bàn 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 45 dự án do các địa phương triển khai, thuộc nhiệm vụ của Ban chỉ đạo. Nếu triển khai tốt các công trình, dự án này sẽ mang lại 3 ý nghĩa lớn gồm: góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân đầu tư công; góp phần tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Để triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, của Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần tiến công, chủ động, tích cực, quyết liệt hơn nữa, tăng cường phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả, hàng tháng giao ban để xử lý các khó khăn, vướng mắc, giảm bớt các thủ tục hành chính, giải quyết các công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh, kịp thời báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền.
Các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải rà soát để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết các khó khăn về nguyên vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư theo yêu cầu...
Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình giao thông, trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
“Dù được đầu tư từ nguồn vốn trung ương hay vốn địa phương, thì tuyến đường nào cũng là của đất nước” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.