Không chủ quan với áp thấp nhiệt đới
Dù áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão sẽ có cường độ không lớn nhưng sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, có nơi tới trên 600 mm.
Chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp bàn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4.
Hiện các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to và dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, với lượng mưa từ 100-300mm, có nơi trên 500mm. Từ ngày 18-21/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-7m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Tất cả các mô hình dự báo đến thời điểm này là bão số 4 nếu có hình thành thì cũng là cơn bão không lớn về cường độ, về gió. Nhưng cái chúng tôi đặc biệt quan tâm và quan ngại là sẽ gây ra một đợt mưa khá lớn, tập trung chủ yếu vào Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một phần của Quãng Ngãi. Chúng tôi đang quan ngại sẽ có một đợt mưa và không loại trừ khả năng có một trận lụt tồi tệ như năm 2020".
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, các địa phương cần kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển, kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ.
Bên cạnh đó, cần rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân ở nhà không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; hướng dẫn thu hoạch, đảm bảo nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/khong-chu-quan-voi-ap-thap-nhiet-doi-266471.htm