Không bắt buộc trình văn bản hướng dẫn kèm với hồ sơ dự án luật, pháp lệnh

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định 'dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh'.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có thể khẳng định công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chỉ tính riêng số lượng luật, pháp lệnh, từ ngày 1-7-2016 đến ngày 30-6-2019 đã có 44 luật và 01 pháp lệnh được ban hành theo quy trình, yêu cầu quy định tại Luật năm 2015, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề cần sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp (Ảnh: QH)

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015 để thể chế hóa kịp thời kết luận của Ban Bí thư, đồng thời quy định cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Ngoài 3 nhóm vấn đề được Chính phủ đề nghị sửa đổi, Ủy ban Pháp luật đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề khác cả ở trong giai đoạn lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… đang gặp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội.

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”. Đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo phải dự kiến thời điểm có hiệu lực của điều, khoản, điểm được quy định chi tiết trong dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm trong hồ sơ dự án mới chỉ thể hiện ý chí chủ quan của cơ quan chủ trì soạn thảo và nặng về hình thức, bởi vì khi luật, pháp lệnh chưa được thông qua thì về cơ bản chưa có căn cứ để tiến hành soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Trong quá trình xem xét, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, các chính sách, nội dung cần quy định chi tiết có thể bị chỉnh sửa, thay đổi. Việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết cũng phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định làm tăng đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan soạn thảo, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị dự án.

Đối với những trường hợp việc chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau hoặc có nhiều văn bản quy định chi tiết (ví dụ Luật Xử lý vi phạm hành chính) thực tế là không khả thi.

Do đó, Ủy ban thẩm tra tán thành việc không nên tiếp tục quy định trong hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết nhưng cần đổi mới về cách làm để cơ quan soạn thảo tập trung thời gian cho việc soạn thảo luật, pháp lệnh bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Cụ thể, trong hồ sơ cần kèm theo danh mục văn bản quy định chi tiết; đề cương nội dung quy định chi tiết; kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó dự kiến cụ thể thời gian có hiệu lực của từng văn bản; trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thời gian có hiệu lực của luật, pháp lệnh, tránh việc luật, pháp lệnh được ban hành phải chờ văn bản quy định chi tiết.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-bat-buoc-trinh-van-ban-huong-dan-kem-voi-ho-so-du-an-luat-phap-lenh-162428.html