Khốn khổ sống trong rác dưới chân cầu Long Biên

Tại xóm ổ chuột dưới chân cầu Long Biên, nhiều mảnh đời đang gửi gắm cuộc sống của mình vào những thứ nhặt nhạnh được đầy mùi hôi thối.

“Khu ổ chuột” dưới chân cầu

Tại xóm ổ chuột dưới chân cầu Long Biên, nhiều mảnh đời đang gửi gắm cuộc sống của mình vào những thứ nhặt nhạnh được đầy mùi hôi thối.

Nằm dưới cây cầu Long Biên lịch sử, sát sườn chợ đầu mối Long Biên, khu dân cư số 2 (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) lâu nay đã được biết đến là khu "ổ chuột" của Thủ đô. Người dân sống tại đây hầu hết là những người từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, chủ yếu làm vài ba công việc buôn bán ngay trong chợ hay nhặc rác kiếm sống qua ngày.

Đến xóm trọ vào một ngày oi ả, hiện ra mắt chúng tôi là hình ảnh những con người đang miệt mài bới móc, kiếm tìm những gì có thể bán được thành tiền từ những thứ người ta đã vứt đi, những thứ đã được gọi là “rác thải”.

Bà Tân, người phụ nữ đã gần 60 tuổi quê ở Hưng Yên đang khom lưng phơi những túi nilong nhặt được từ vài ngày trước bị mưa ướt. Thấy chúng tôi, người phụ nữ dường như cố tình tránh né.

“Những người như chúng tôi có chuyện gì mà kể. Sáng đi nhặt rác, nắng thì ngồi nghỉ, đỡ mệt lại làm. Cuộc sống cứ tiếp tục ngày này qua ngày khác thôi”, bà Tân vừa nói vừa đi về phía chiếc xe kéo tay đang chất đầy những thùng giấy.

Hàng ngày, bà Tân ra khu vực chợ đầu mối Long Biên nhặt rác. “Hôm nào mà người ta bán đắt hàng thì mình cũng vui vì sẽ nhặt được nhiều bao bì, túi giấy. Thường thì những ngày trong tuần hàng hóa mới nhiều, còn cuối tuần thì vắng vẻ hơn”. Nói vừa dứt câu, người phụ nữ nhanh chóng kéo chiếc xe cồng kềnh ra phía ngoài đường lớn để bán.

Có lẽ, từ ngày rời quê lên thành phố kiếm sống, cuộc đời họ cũng chỉ quanh quẩn với rác, với việc làm sao nhặt nhạnh được nhiều, bán được giá cao.

Lối nhỏ đầu chợ Long Biên dẫn đến xóm ngụ cư này chẳng bao giờ dễ dàng. Mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt, in hằn những vết bánh xe kéo. Mùa nắng, đá gập ghềnh trồi lên phía trên, bụi bặm. Đi vào bên trong là ngổn ngang rác rưởi, nhão nhoét bùn đen, không gian càng đặc quánh mùi xú uế, dưới kia là dòng mương đen sẫm vì nước thải.

Men theo con đường chỉ rộng khoảng chừng một mét là khu trọ với những dãy nhà cấp 4 chỉ rộng chừng 8-15m2 được thuê với giá khoảng 800.000/tháng, chưa tính tiền điện nước.

Những ô nhà xây dựng bằng gạch vụn đã nhiều năm, nham nhở, không trát và mái lợp prô xi măng ọp ẹp , mùa mưa thì dột nát, mùa hè nhìn thấy cả bầu trời nắng nỏ.

Một vài ô nhà khá hơn có trát tường vôi nhưng đều rêu mốc xám xịt, ban ngày cũng như ban đêm đều phải bật đèn. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, chỉ là những vật dụng sinh hoạt gia đình cũ, được người dân thu về bán ve chai.

Đi sâu vào phía bên trong là những căn nhà "rác" được dựng lên từ muôn thứ vật liệu, ván gỗ, phên nứa, phên nhựa, tấm bạt cũ,... chỉ cao hơn 1 mét cũng là nơi trú ngụ của nhiều phận người. Mọi thứ đều nhàu nhĩ, cũ nát và bốc mùi ẩm ướt.

Vậy mà, bao năm nay, những con người ở khu xóm này vẫn gắng gượng quên đi những nỗi khổ cùng sự bẩn thỉu,nhếch nhác, mùi hôi thối, ruồi nhặng vo ve đến ong đầu. Đổi lại những gì họ kiếm được mang lại nguồn thu nhập - dù ít ỏi, nhưng ổn định ( từ 50.000 đến 100.000 đồng/người/ngày).

Prev
Next

Những mảnh đời sống nhờ vào rác

Bà Phải, 72 tuổi (quê Thái Nguyên) đã gần 40 năm sống tại xóm trọ này. Hàng ngày, bà đi nhặt rác, phế liệu ở khu chợ Long Biên để kiếm sống.

Trong căn phòng trọ chỉ khoảng 10 mét vuông thuê với giá 1 triệu của bà có đến 3 người cùng sinh sống. Phòng không có nhiều đồ đạc, chỉ có một chiếc quạt treo tường kêu cọt kẹt đến suốt ruột.

Bà Phải cho biết: “Ở đây khổ nhưng sống mãi cũng thành quen. Những ngày thời tiết nóng bức, tôi cùng vài người trong xóm ra khu vực chân cầu Long Biên ngồi cho mát. Buổi tối thì phải bắc thang lên trên trần nhà dội nước, phủ chăn ướt lên đó, đổ nước lên chiếu mới có thể ngủ được...”, vừa nói, bà Trải vừa lấy chiếc khăn tay đã xỉn màu dụi đôi mắt bị đau, đỏ hoe lên.

Tôi hỏi mắt bà bị bệnh sao không dùng thuốc, bà Phải thờ dài rồi nói: "Mỗi ngày bà đi nhặt rác cũng chỉ được khoảng 50.000 đồng đủ tiền rau cháo, lại còn phải dành dụm tiền để khi không đi làm được gì nữa. Còn đau mắt thế này đáng gì đâu".

Để lại hai con nhỏ ở quê cho chồng chăm sóc, chị Nguyễn Thị Hương (38 tuổi, quê Lục Ngạn, Bắc Giang) đã sống ở khu xóm trọ này được nhiều năm. Với vóc dáng nhỏ bé nhưng chị Hương làm đủ công việc, từ bán hàng thuê, nhặt rác, thu mua bao bì...

“Đi làm từ sáng tới khuya, về nhà chỉ cần chỗ đặt lưng để ngủ nên ở chung với mọi người sẽ tiết kiệm được tiền phòng. Còn việc làm, có ai thuê mình việc gì thì mình làm việc đấy chứ làm một việc làm kiếm sao đủ”, chị Hương nói.

Đã từ lâu, khu xóm trọ nhỏ này cũng được coi là "vựa" rác nhỏ của Thủ đô bởi cứ bao nhiêu rác từ rác thải sinh hoạt, rác thải từ việc buôn bán... cứ theo đường cống dồn về đây khiến cho môi trường sống trở nên ngột ngạt.

Dù là nỗi khiếp sợ muốn lánh xa với người dân sinh sống lân cận, nhưng nơi đây lại có rất nhiều phụ nữ tìm kế sinh nhai. Những mảnh đời sống nhờ vào bãi rác, ai cũng có số phận éo le nên phải bám trụ vào nơi đây, tìm nguồn sống từ những thứ mà mọi người vứt đi.

Chị Hương chỉ ra phía dòng nước trước dãy trọ màu đen kịt, bốc mùi nói: “Dù biết xung quanh bẩn, ô nhiễm nhưng chúng tôi đi làm suốt ngày, không có thời gian mà để ý đến. Chúng tôi là lao động nghèo, đi là kiếm sống, lại phải gửi về quê nuôi con lấy tiền đâu mà ở những chỗ tốt hơn. Hơn nữa ở mãi đây như thế cũng quen rồi”.

Bao giờ mới hết cảnh sống chung với rác?

Vào những ngày tháng 7 mưa Ngâu, những cơn mưa dai dẳng nhiều ngày do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kèm theo thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập, mấp mé nhiều nhà dân tại xóm trọ Long Biên này.

Theo dòng nước, hàng nghìn loại rác thải cuốn vào chân cầu, khu vực sinh sống của người dân khiến cuộc sống bị đảo lộn trong nhiều ngày.

Hết mưa, những ngày nắng, rác thải ứ đọng bốc mùi hôi thối. Khắp những ngóc ngách của khu xóm la liệt các loại rác thải: từ hoa quả hỏng, rác thải sinh hoạt, túi nilong, thùng xốp… ruồi nhặng bâu kín.

Thế nhưng, nguồn rác thải không chỉ do thời tiết mà từ lâu, ý thức của người dân xóm ngụ cư này trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế. Ngay từ lối vào xóm trọ dựng ngay cái biển với dòng chữ đỏ nổi bật: "Khu dân sinh tổ 7 cụm 2 cam kết không xả rác xuống kênh mương". Vào sâu bên trong có cắm biển cảnh báo: "Xả rác văn minh đẹp xinh đô thị". Ở phía gần cuối khu xóm trọ là "Vì môi trường xanh sạch đẹp xin đừng vứt rác". Thế nhưng, đi đến đâu cũng thấy rác thải bao vây.

Thậm chí khi đến đây, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân thản nhiên ném rác thải sinh hoạt xuống mương nước phía trước khu vực sống. Có người ngồi trong nhà, thẳng tay ném bọc rác xuống dưới dòng nước đang chảy.

Chị Hương cho biết: “Ở xóm trọ, mỗi người một vùng, người nào biết việc người nấy, đi làm ca hoặc sáng đi sớm tối về khuya nên cũng ít trò chuyện với nhau. Hơn nữa, những người dân trong xóm ngụ cư này ở không cố định. Có người ở lâu đến hàng chục năm, nhưng có người chỉ ở vài tháng, thậm chí vài tuần đã chuyển đi nên ý thức về việc giữ gìn môi trường sống không có”.

Làm việc theo ca từ 7h đến 11h30 trưa, anh H. công nhân công ty Thoát nước Hà Nội phụ trách dọn vệ sinh khu vực này cho biết: Không chỉ có rác thải sinh hoạt của người dân khu xóm trọ, nhiều khi những sọt hoa quả, rau củ hỏng của tiểu thương trong chợ cũng đổ xuống mương nước.

“Dù đã có rất nhiều biển cấm, nhắc nhở nhưng dường như không ai quan tâm đến. Không ít lần, tôi đang đứng dưới mương nước vớt rác, người dân đứng trên ném rác xuống trúng người, nhìn lên thì họ đã quay đi, cũng không làm gì được”, anh H. nói.

Hà Nội đang phát triển từng ngày với những tòa nhà cao chọc trời, những cây cầu hiện đại… nhưng dưới chân cầu Long Biên lịch sử, vẫn còn những phận đời sống trong cảnh tối tăm, tạm bợ. Những người bà Phải, chị Hương vẫn còng lưng đi nhặt rác, đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm từng đồng mưu sinh giữa một bãi rác đúng nghĩa chưa biết bao giờ sẽ hết nghèo, hết khổ?...(!)./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/e-magazine/cuoc-song-khon-kho-cua-nguoi-dan-ngheo-duoi-chan-cau-long-bien-808697.vov