Khởi công khảo sát dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân

Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) và Viện thiết kế chuyên ngành nhà nước Nga (GSPI) vừa tổ chức Lễ khởi công khảo sát Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Lễ khởi công khảo sát Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân ngày 11/9. Ảnh: PECC1

Lễ khởi công khảo sát Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân ngày 11/9. Ảnh: PECC1

Theo thông tin từ PECC1, tại dự án này, PECC1 là nhà thầu phụ cho GSPI và sẽ thực hiện toàn bộ công tác khảo sát, hỗ trợ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ địa điểm. Các hạng mục khảo sát gồm: địa hình, địa chất công trình – địa kỹ thuật - địa chất thủy văn - địa vật lý, đánh giá nguy hiểm động đất, khí tượng – thủy văn, môi trường – địa chất môi trường, đất, nước, không khí.

Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) có tổng mức đầu tư gần 600 triệu USD, trong đó 552 triệu USD là vốn vay ODA của Liên bang Nga và 9 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.

CNST với cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân công suất 10MWt (có khả năng nâng cấp lên 15 MWt) và các hệ thống công nghệ, phòng thí nghiệm và thiết bị nhằm sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ y tế, công nghiệp, chiếu xạ pha tạp silic bằng neutron để sản xuất chất bán dẫn…

Về vai trò của dự án, tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 4/7, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) Trần Chí Thành cho biết, nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng nghiên cứu tập trung sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư, chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn, sản xuất chip.

"Khi lò vào vận hành, số lượng triển khai ước tính 11 đồng vị phóng xạ, có thể tạo được 50-70 loại dược chất phóng xạ nhằm chẩn đoán nhiều loại ung thư phục vụ trong nước và xuất khẩu", ông Thành chia sẻ.

Đây là dự án được cả hai phía Việt Nam - Nga rất quan tâm, được đưa vào danh mục ưu tiên thực hiện trong hợp tác giữa hai chính phủ. Dự án hoàn thành sẽ định vị thành phố Long Khánh trở thành Trung tâm thứ 2 của Việt Nam sau thành phố Đà Lạt trong việc phát triển về lĩnh vực y khoa hạt nhân.

Dự án CNST được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ ký năm 2011. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018.

Tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) A.E.Likhachev và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã ký kết bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai dự án xây dựng CNST tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Bộ KH&CN giao Vinatom xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân... Điều này nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ nghiên cứu, ứng dụng khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn, khi CNST đi vào hoạt động.

Bộ KH&CN và Rosatom cũng đang phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển hóa vật liệu, khoa học vật liệu, các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật lý hạt nhân; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khoi-cong-khao-sat-du-an-trung-tam-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-hat-nhan-33345.html