Khoảng gặp gỡ đặc biệt của 'Ký ức và niềm tin'
Đó là khoảng gặp gỡ đặc biệt, đầy ắp ký ức về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, những câu chuyện về lý tưởng cách mạng, tinh thần vượt khó phụng sự Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh và thời bình…
“Ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy trong lòng tôi. Tôi nguyện khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên đường đi chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi nguyện đem hết sức lực của tuổi trẻ ra phục vụ trận tuyến. Tôi có đầy đủ tinh thần dũng cảm để nhận biết bất cứ việc gì mà Đảng và Nhân dân yêu cầu…”.
Đó là lời kể của bà Hoàng Thị Kim Vinh, Đội Thanh niên xung phong N43, Bộ Giao thông Vận tải trong sự kiện “Ký ức và niềm tin”, do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức sáng 19.12.
Nữ thanh niên xung phong năm nào cho biết mình tham gia chiến đấu năm 1965, lúc đó mới 26 tuổi, con trai mới 1 tuổi, còn chồng đang chiến đấu ở miền Nam. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà cùng đồng đội mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Lúc bấy giờ, thương con nhỏ nhưng tình yêu đất nước, niềm tin và quyết tâm sắt đá giành độc lập, thống nhất non sông đã thôi thúc người mẹ trẻ lên đường.
Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện kể về thế hệ những con người sống với lý tưởng “sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”. Như cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lịch chia sẻ, ông lên đường vào Nam chiến đấu tháng 5.1971, giữ chức Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5 - Đoàn Dũng sĩ Cát Bi. Hành trình ấy biết bao gian nan, vất vả, hiểm nguy nhưng không thể làm nao núng tinh thần người lính.
“Sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị tôi tới cao nguyên Bolaven trên đất bạn Lào. Một hôm, đến đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dốc đã trơn trượt thì giao liên thông báo có bom hẹn giờ. Một số đồng chí cảm nhận được sự hủy diệt của nó, hàng quân như chững lại trong giây lát.
Quả bom như thần chết, sắc lạnh rợn người, thời gian nổ là bao lâu thì không xác định. Tôi hội ý nhanh, chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người phải nhanh chóng vượt qua cửa tử. Trước không khí căng thẳng tới nghẹt thở, tôi rút trong ba lô chiếc kèn Harmonica đã cũ đứng cạnh quả bom thổi bản nhạc bài Vì nhân dân quên mình để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Từng tốp vượt qua nhanh chóng, lúc đó sự sống được tính bằng giây”, ông Nguyễn Tiến Lịch nhớ lại.
Chiếc kèn Harmonica ấy vẫn còn được người chiến sĩ giữ lại, trân quý như một kỷ vật tưởng nhớ những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhớ những ngày tháng sát cánh bên đồng đội. Trong triển lãm “Ký ức và niềm tin”, chiếc kèn ấy được trưng bày trước công chúng, cùng với 200 hình ảnh, hiện vật như đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu, nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ...
Tất cả giúp mỗi chúng ta trả lời được câu hỏi vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù. Bởi vì làm nên sức mạnh Việt Nam là những chàng trai, cô gái tuổi 19, đôi mươi mang trong mình hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ. Là những thanh niên nơi làng quê với bến nước, mái đình; những cô cậu học sinh vừa rời ghế nhà trường hay những sinh viên nơi giảng đường đại học, thậm chí là những người thầy, người cô đang cầm phấn nhưng khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng gác lại tình riêng, việc nhà để lên đường.
Họ là những người mẹ già, người vợ trẻ, người yêu chiến sĩ... khi tiễn chồng, con đi chiến đấu đã giấu đi những giọt nước mắt, lúc nhận giấy báo tử lại một lần nữa giấu nỗi đau vào lòng. Những người mẹ hết lòng ủng hộ bộ đội, những người vợ đảm đang thay chồng nuôi con, sản xuất và công tác...
Rất nhiều dòng chữ như trong bức thư của nữ dân quân Nguyễn Thị Lãnh, Tam Kỳ, Quảng Nam (gửi bố mẹ năm 1968): “Chắc ba mẹ luôn lo cho con nhiều lắm, nhưng thôi vì ba mẹ nên thấy trong giai đoạn hiện tại, rằng chiến tranh đang lan tràn trên mảnh đất quê hương ta. Là con người con cũng như tất cả các người khác mang dòng máu bất khuất, thì không thể làm ngơ ngồi yên”.
Hay câu thơ viết trong nhật ký ở chiến trường năm 1972 của nữ bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 Nguyễn Thị Hồng Nhàn: Tôi hành quân giữa những ngày tháng bảy/ Lửa miền Nam, lửa cháy trong tim/ Cả nước xuống đường như biển Đông dậy sóng/ Nòng súng tôi bỗng cháy một niềm tin/ Chúng tôi không thể nào làm đục màu lá cỏ cây và mây trời sông nước/ Đế quốc Mỹ không thể chia cắt được/ Tia nắng hồng trên đỉnh núi Trường Sơn.
Đó là một thế hệ những con người yêu nước, sống có lý tưởng, niềm tin và tinh thần “Sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc". Niềm tin đó đã trở thành ý chí, sức mạnh tổng hợp góp phần làm nên chiến thắng.
Nói như Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, trong ký ức hào hùng của dân tộc và của mỗi thế hệ người dân Việt Nam, những “người lính cụ Hồ” dù là nam hay nữ, từ những vùng thôn quê hay thành thị, là học sinh, sinh viên, người thợ hay người thầy... khi Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng lên đường bảo vệ đất nước với niềm tin chiến thắng và tâm nguyện sắt son: Ra đi vẹn một lời thề. Chưa đánh hết giặc chưa trở về quê hương. “Niềm tin ấy đã thắp sáng ý chí và sức mạnh bền bỉ của dân tộc trong những năm tháng vệ quốc vĩ đại. Ký ức đẹp đẽ và niềm tin vào tương lai chính là chìa khóa để người Việt Nam đi qua chiến tranh, dựng xây đẹp, hùng cường”.