Khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở
Chiều 20/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại trong toàn hệ thống. Hội nghị cũng được kết nối đến điểm cầu của 26 Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền, là siêu bão với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng rộng, có 26 địa phương chịu tác động nặng nề. Cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là hơn 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%.
Những ngày này, bão lũ đã qua đi nhưng vẫn còn rất nhiều hình ảnh địa phương gặp vất vả trong việc ổn định cuộc sống của người dân. Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Thủ tướng Chính phủ đã có 10 công điện, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương để tìm giải pháp khắc phục sau cơn bão.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đã đóng góp vào công tác an sinh xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các vụ, cục chức năng của Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhanh chóng vào cuộc, làm việc với các địa phương, tổ chức tín dụng để bàn giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị về vấn đề này.
Ngày 17/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước được giao hai nhiệm vụ đó là, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị nhằm bàn các giải pháp nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các tổ chức tín dụng dựa trên nguồn lực, tình hình "sức khỏe" của riêng mình để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai, bão lũ.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đã đánh giá cao và biểu dương các ngân hàng đã tích cực, nhiệt tình triển khai các gói/chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Thống đốc, các chương trình hỗ trợ của ngân hàng đưa ra rất tích cực, với tinh thần thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều đồng thời chủ động đưa ra nhiều chính sách cho vay mới, chủ động giảm lãi suất cho khoản vay cũ và cho vay mới; nhiều ngân hàng quy mô nhỏ cũng tham gia rất tích cực… Điều đó cho thấy các ngân hàng rất quan tâm đến các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước, thể hiện trách nhiệm của các ngân hàng đối với khách hàng, với cộng đồng và xã hội.
Phó Thống đốc cho biết, quan điểm chỉ đạo của ngành Ngân hàng là toàn ngành thể hiện tinh thần và trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Các ngân hàng thương mại bằng chính nguồn lực từ lợi nhuận của mình, nỗ lực tiết giảm chi phí để miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tùy theo năng lực của mình, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đồng hành với khách hàng. Mỗi tổ chức tín dụng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, tránh câu chuyện “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi”, phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh.
Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng thực hiện chính sách công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách...