Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - đột phá từ thể chế
Một trong những niềm vui của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ đó là tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với việc sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách mới, Luật được đánh giá là bước đột phá trong việc thể chế các nghị quyết của Đảng nhằm tạo cú huých cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển trong giai đoạn mới.
Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính
Lần đầu tiên, “đổi mới sáng tạo” được quy định trong luật. Việc luật hóa khái niệm này nhằm khẳng định vị thế của đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực độc lập, tương đương với khoa học công nghệ (KHCN). Điều này thể hiện sự đổi mới về tư duy, không chỉ tập trung vào nghiên cứu thuần túy. Và đây cũng là cơ sở để các ý tưởng được nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn và thương mại hóa các sản phẩm của đổi mới sáng tạo.
Thực tế cho thấy, trong nhiều lĩnh vực, thủ tục hành chính là một trong những rào cản rất lớn mà các cá nhân, tổ chức phản ánh nhiều nhất, và lĩnh vực KHCN không phải là ngoại lệ.

Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại phòng sạch Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Để khắc phục tình trạng này, luật đã thể hiện rõ nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. So với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật mới được thông qua đã bỏ 9 thủ tục hành chính, gồm: đăng ký hoạt động của tổ chức KHCN; sáp nhập, chia, tách tổ chức KHCN; giải thể tổ chức KHCN; thủ tục thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức KHCN nước ngoài; hỗ trợ nhiệm vụ KHCN liên kết; đánh giá thực hiện nhiệm vụ KHCN; giao toàn bộ, giao một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện khoán chi đối với nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Như vậy, so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật đã cắt giảm 9/10 thủ tục, đạt 81%.
Chuyển mạnh từ “quản lý chi tiêu” sang “quản trị theo kết quả”
Dấu ấn có tính đột phá về thể chế đối với lĩnh vực này là Luật đã thiết lập cơ chế chấp nhận rủi ro hợp lý trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Các tổ chức, cá nhân nếu tuân thủ đúng quy trình, nhưng gặp thất bại do yếu tố khách quan, sẽ được miễn trừ trách nhiệm hành chính, dân sự, thậm chí hình sự.
Để có cơ sở triển khai thực hiện, luật quy định rõ các trường hợp rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bao gồm: rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; rủi ro trong thử nghiệm có kiểm soát; rủi ro trong đầu tư mạo hiểm thực và rủi ro khác theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, luật cũng quy định rõ việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được loại trừ trách nhiệm hành chính, miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo và không có hành vi gian lận, cố ý vi phạm pháp luật, không sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí.
Trường hợp khác cũng được áp dụng chính sách chấp nhận rủi ro gồm: tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí hợp pháp khác của đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí của doanh nghiệp nhà nước không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi nếu đã tuân thủ đầy đủ quy định quản lý nhiệm vụ, quy trình thực hiện, nội dung nghiên cứu, biện pháp phòng ngừa rủi ro nhưng kết quả của nhiệm vụ không đạt được mục tiêu đề ra. Tổ chức, cá nhân phê duyệt và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí hợp pháp khác của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc kinh phí của doanh nghiệp nhà nước được loại trừ trách nhiệm hành chính, miễn trách nhiệm dân sự nếu đã tuân thủ đầy đủ quy định, quy trình về phê duyệt, quản lý nhiệm vụ và không có hành vi vi phạm pháp luật nhưng kết quả của nhiệm vụ không đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Những quy định này của Luật là một bước thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích sáng tạo, đổi mới. Đây là khung khổ pháp lý quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các đề tài khoa học có tính đột phá cao, để các nhà nghiên cứu khoa học tự tin thử sức với những công trình mới, mà không phải “vừa làm vừa lo” rủi ro do yếu tố khách quan.
Để thuận lợi trong triển khai thực hiện các chính sách này, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; quy trình đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định trong phê duyệt, quản lý, thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW, Luật đã quy định theo hướng chuyển mạnh từ “quản lý chi tiêu” sang “quản trị theo kết quả”. Theo đó, Luật quy định khoán chi theo kết quả cuối cùng, tăng tính linh hoạt và tự chủ. Giao quyền sở hữu tài sản và kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì ngay khi hình thành, không hoàn trả ngân sách, không ghi tăng vốn nhà nước. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu linh hoạt, lợi nhuận được tái đầu tư hoặc dùng để khuyến khích sáng tạo; phân bổ theo hiệu quả đầu ra…
Thực tế cho thấy, hoạt động quản lý KHCN ở nước ta trước đây chủ yếu dựa trên cách tiếp cận “đầu vào”. Các nhà khoa học đôi khi cảm thấy “nản” vì quản lý mang nặng tính quản lý quy trình, thủ tục hơn là đánh giá giá trị thực tiễn hoặc tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu. Điều này dẫn tới không ít đề tài nghiên cứu tuy đủ điều kiện nghiệm thu nhưng không được thương mại hóa, ứng dụng thực tế thấp, thiếu gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, không phát huy được giá trị thực tế của kết quả nghiên cứu, gây nên sự lãng phí. Cơ chế này cũng không khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu khoa học.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực có tính đặc thù, khó dự liệu một cách chính xác trước được kết quả. Do đó, với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung mới, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong tư duy quản lý chuyển từ "kiểm soát đầu vào" sang "đánh giá đầu ra". Đây không chỉ là một bước tiến về cơ chế mà còn là cách tiếp cận mới để thúc đẩy khoa học phục vụ phát triển đất nước. Tin rằng, những vướng mắc về thể chế được tháo gỡ, thì KHCN và đổi mới sáng tạo sẽ rộng đường phát triển.