Khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nông sản

Công tác quản lý, kiểm soát chất lượng của các loại nông, lâm, thủy sản góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Khu sơ chế, trưng bày sản phẩm sạch của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới.

Do vậy, những năm qua các sở, ngành có liên quan và các địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các loại nông sản được sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nên hiện công tác này vẫn đang gặp phải không ít khó khăn.

Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn ha trồng rau màu các loại, sản lượng đạt 480,225 nghìn tấn; chăn nuôi có 653 trang trại và 3.653 gia trại, với khoảng 253,8 nghìn con bò, 200,7 nghìn con trâu, 785,1 nghìn con lợn và 18,8 triệu con gia cầm các loại; sản lượng thịt hơi các loại đạt bình quân 222.760 tấn/năm.

Thủy sản có tổng diện tích nuôi trồng 19.000 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng hơn 50 nghìn tấn. Với diện tích sản xuất rộng lớn, đa dạng về các loại sản phẩm, song trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1.700 ha trồng rau được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, chiếm 4,25% diện tích sản xuất các loại cây rau màu; có 5 vùng chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP, còn lại là diện tích gieo trồng và phương thức sản xuất thiếu kiểm soát. Số diện tích sản xuất thiếu kiểm soát còn chiếm phần lớn là nguyên nhân chính khiến công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nông sản của các lực lượng chức năng gặp khó khăn.

Địa bàn sản xuất rộng, số lượng của các cơ sở sơ chế, chế biến và kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh lớn, trong khi lực lượng thực hiện mỏng, khiến cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nông sản hạn chế. Hàng năm các sở, ngành có liên quan chỉ thực hiện được khoảng 20 cuộc thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại gần 150 đơn vị. Vì vậy việc phát hiện, theo dõi những cơ sở vi phạm trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại nông sản còn nhiều khó khăn.

Theo khảo sát, đánh giá và phân tích thực tế của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh, cho thấy, ý thức về nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm của nhiều chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa cao, trong khi các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa thấy được tầm quan trọng của công tác quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm của nông sản, nên sự chỉ đạo chưa kiên quyết, thiếu sự quyết liệt và đồng bộ. Bên cạnh đó, cho đến nay, tỉnh ta đã quy hoạch được nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn, song việc quy hoạch sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu của sản phẩm, nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, giá thành cao, khó cạnh tranh với thực phẩm thông thường, vì vậy chưa tạo động lực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Một khó khăn nữa trong công tác quản lý, kiểm soát nông sản an toàn là đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh là các cơ sở nhỏ lẻ, chưa áp dụng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh, do đó gây khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao, người sản xuất, kinh doanh còn chú trọng chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường sức khỏe người tiêu dùng, nhất là thói quen ăn uống và thu nhập thấp, nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài các nguyên nhân nói trên, còn có một nguyên nhân nữa là do việc bảo vệ môi trường còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nên môi trường nói chung và môi trường đất, nước để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế cũng làm tăng nguy cơ người dân sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm, khiến việc kiểm soát chất lượng càng trở nên khó khăn.

Để công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nông sản trên địa bàn tỉnh phát huy được hiệu quả, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành theo định kỳ, qua đó phát hiện những hạn chế, thiếu sót của hệ thống văn bản, từ đó đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý. Cùng với đó nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh từng bước kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung, kết hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm nông sản đặc sản của tỉnh.

Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/kho-khan-trong-cong-tac-quan-ly-kiem-soat-chat-luong-nong-san/97533.htm