Khó khăn 'bủa vây' dự án nghìn tỷ ở Quảng Ngãi

Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi sau 6 tháng khởi công, giá trị thi công chỉ đạt khoảng 0,17% do gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng, vật liệu xây dựng.

6 tháng thi công được 0,17%

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi có tổng chiều dài tuyến 26,88 km, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án khởi công vào tháng 12/2023, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi (đơn vị được UBND tỉnh giao theo dõi tiến độ dự án), hiện dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi chậm tiến độ mọi mặt. Đến nay bàn giao mặt bằng mới chỉ đạt 15,5%; giá trị thi công đạt gần 4 tỷ đồng/2.350 tỷ đồng, tương đương 0,17%. Trên đại công trường nghìn tỷ này cũng chỉ 70 người thi công.

Sau 6 tháng, Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi chỉ mới thi công được khoảng 0,17% khối lượng.

Sau 6 tháng, Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi chỉ mới thi công được khoảng 0,17% khối lượng.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù thời tiết đang thuận lợi để triển khai dự án giao thông, nhưng hiện trên công trường dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi vắng nhân lực thi công đến lạ thường.

Cụ thể, tại thôn Mỹ Huệ 3, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, nơi dự án Hoàng Sa - Dốc Sỏi đi qua không có công nhân thi công chỉ có các thiết bị nằm ngổn ngang. Nhà điều hành dự án và nhà ở cho các công nhân thi công dự án cũng đang thi công dang dở rồi dừng, không một bóng người.

Khu nhà ở cho công nhân thi công dự án được thi công dang dở tại thôn Mỹ Huệ 3, xã Bình Dương.

Khu nhà ở cho công nhân thi công dự án được thi công dang dở tại thôn Mỹ Huệ 3, xã Bình Dương.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi cho rằng, nếu tỉnh không có chủ trương để chỉ đạo tháo gỡ bất cập về bồi thường, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công và giải ngân vốn nguy cơ tiến độ dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất chậm, mặt bằng toàn tuyến chủ yếu "xôi đổ". Vị trí cầu cống thuận lợi cho thi công được lại thiếu cát.

Theo UBND huyện Bình Sơn, địa phương có diện tích đất quy hoạch xây dựng dự án lên đến 105 ha, khó khăn lớn nhất là việc xác định tính chất pháp lý đất đai, xác định giá đất. Vì thế, chỉ mới phê duyệt được 6 phương án bồi thường, đạt 4,9% tổng diện tích phải thu hồi.

Tại công trình không một người thi công dự án.

Tại công trình không một người thi công dự án.

Tương tự, việc giải phóng mặt bằng của TP. Quảng Ngãi gặp khó khăn vì có hàng chục thửa đất trên địa bàn được chuyển nhượng nhiều lần và chủ đất ở đâu tìm không ra địa chỉ để gửi thông báo thu hồi đất.

Được biết theo kế hoạch đã được cấp thẩm quyền Quảng Ngãi phê duyệt, riêng đối với cát xây dựng, có 9 mỏ được khoanh định để cấp thi công cho dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Tuy nhiên đến thời điểm này dù dự án đã được khởi công từ cuối năm 2023, thế nhưng vẫn chưa có mỏ cát nào hoàn tất thủ tục, để được cấp phép khai thác.

Ông V.T.Q, Giám đốc một doanh nghiệp tham gia dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi cho hay, doanh nghiệp trúng thầu và thi công là một số cầu, mương thoát nước, nhưng đến thời điểm này, các mỏ cát được khoanh định để cấp thi công cho dự án, vẫn đang nằm trong đám rối thủ tục, chưa được cấp phép. Mà không có vật liệu thì doanh nghiệp biết lấy gì làm!

Trách nhiệm của chủ đầu tư

Tại các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh, đối với dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đầu tiên, toàn diện và cuối cùng về tiến độ, chất lượng dự án, trong đó có việc cấp mỏ cát.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh (chủ đầu tư) phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ đầu tư trong việc tổ chức thực hiện dự án và giải quyết các vấn đề liên quan của dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Khẩn trương chủ trì làm việc với các nhà thầu thi công để xác định rõ các đơn vị lập thủ tục đề nghị cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình.

Đồng thời, chịu trách nhiệm kiểm tra, có văn bản đề nghị các sở, ngành, UBND tỉnh đối với các hồ sơ của đơn vị xin cấp phép khai thác và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng được cấp phép, việc quản lý khai thác, vận chuyển, cung cấp khoáng sản cát phục vụ dự án sau khi được cấp phép khai thác, đảm bảo việc sử dụng khoáng sản đúng mục đích, không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ngân sách nhà nước.

Thiết bị, vật liệu phục vụ dự án nằm ngổn ngang.

Thiết bị, vật liệu phục vụ dự án nằm ngổn ngang.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư thường xuyên, chủ động, kịp thời rà soát lại nhu cầu sử dụng cát và các nguồn cung cấp cát phục vụ thi công dự án để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, kịp thời có giải pháp đảm bảo khối lượng cát phục vụ dự án và các loại khoáng sản khác (đất, đá)..., tuyệt đối không để gián đoạn công tác thi công, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Liên quan đến vướng mắc mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các phía địa phương, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa các mỏ khoáng sản vào khai thác. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chủ đầu tư lập thủ tục trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để thi công công trình.

Ông Trần Phước Hiền cũng nhấn mạnh các nhà thầu phải có trách nhiệm bám sát hiện trường, báo cáo kịp thời các vướng mắc cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương để có cách tháo gỡ. Không thể tùy tiện ngừng thi công, rút thiết bị khỏi công trường. Nhà thầu nào cố tình vi phạm hợp đồng, gây trì trệ tiến độ dự án, tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Thanh Chung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kho-khan-bua-vay-du-an-nghin-ty-o-quang-ngai-d216095.html