Khi đề thi tốt nghiệp phân hóa cao, khối ngành Y - Dược dễ tuyển sinh
Với các ngành đặc thù như Y - Dược, đề thi có sự phân hóa tốt góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đầu vào và lựa chọn được thí sinh có năng lực cao.
.t1 { text-align: justify; }
Điểm chuẩn tuyển sinh khối ngành sức khỏe luôn ở mức cao, đặc biệt với những ngành điểm chuẩn dẫn đầu như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt. Để tuyển chọn được thí sinh có năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao, đề thi cần có khả năng phân loại rõ ràng.
Theo lãnh đạo một số trường đào tạo Y - Dược, việc đảm bảo tính phân hóa trong đề thi không chỉ giúp chọn đúng thí sinh phù hợp mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu đề thi quá dễ sẽ gây khó khăn trong sàng lọc, nhất là những ngành có chỉ tiêu tuyển sinh thấp nhưng số lượng thí sinh đăng ký lớn.
Đề thi phân hóa cao giúp tuyển chọn nhân lực chất lượng cho ngành Y
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Các trường đào tạo ngành Y hiện vẫn chủ yếu sử dụng tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn (Toán, Hóa học và Sinh học). Việc duy trì tổ hợp này xuất phát từ tính chất đặc thù của chương trình đào tạo, tập trung vào lĩnh vực khoa học, sự sống và khoa học sức khỏe, gắn liền với nền tảng kiến thức của ba môn học trên.
Ngoài ra, đào tạo ngành Y có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho hệ thống y tế. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không chỉ nhằm xét tốt nghiệp mà cần đảm bảo tính phân hóa để các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với đặc thù của ngành. Chỉ khi người học có tố chất, tư duy và khả năng học tập nổi bật mới có thể góp phần thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực y tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, đề thi phân hóa càng cao sẽ càng thuận lợi cho công tác tuyển sinh.
Về chất lượng đầu vào, đề thi có mức độ phân hóa tốt giúp nhà trường lựa chọn được thí sinh giỏi, phù hợp với yêu cầu đào tạo, nhất là ngành có điểm chuẩn cao.
Chẳng hạn, mục tiêu và yêu cầu của các ngành như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt thường tập trung vào việc đào tạo bác sĩ có khả năng chẩn đoán, điều trị bệnh lý phức tạp, trong khi các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y học chú trọng đào tạo kỹ năng hỗ trợ chăm sóc, phục hồi và vận hành thiết bị y tế. Vì vậy, đề thi có tính phân hóa cao sẽ giúp nhà trường lựa chọn thí sinh phù hợp hơn với từng ngành nghề cụ thể, đảm bảo chất lượng đầu vào sát với yêu cầu đào tạo thực tế”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đình Tùng cho rằng, hiện nay kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức vừa để xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc xây dựng đề thi, bởi cùng lúc phải đáp ứng hai mục tiêu với yêu cầu và tiêu chí khác nhau.
Về tuyển sinh, các trường đại học trên cả nước nói chung và Trường Đại học Y Hà Nội nói riêng đều mong muốn đề thi có khả năng phân loại tốt. Đây cũng là căn cứ giúp nhà trường tuyển chọn thí sinh phù hợp với đặc thù, mục tiêu đào tạo của từng ngành và nâng cao hiệu quả tuyển sinh.
Tuy nhiên, đề thi vẫn cần đảm bảo hài hòa, để vừa sàng lọc hiệu quả phục vụ công tác tuyển sinh, vừa không gây áp lực quá lớn cho số đông thí sinh tham gia kỳ thi với mục tiêu xét tốt nghiệp.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Về nguyên tắc, đề thi có tính phân hóa tốt sẽ tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh, giúp phân loại rõ năng lực thí sinh. Những em có học lực thật sự nổi bật sẽ thể hiện được ưu thế ở các câu hỏi nâng cao, qua đó nhà trường dễ dàng tuyển chọn đúng đối tượng phù hợp với yêu cầu đào tạo. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo nền tảng cho quá trình đào tạo sau này.
Ngược lại, nếu đề thi quá dễ hoặc thiếu tính phân hóa, phổ điểm sẽ dồn lại ở mức cao, khiến việc phân loại thí sinh trở nên khó khăn cũng như ảnh hưởng đến quá trình xác định điểm chuẩn ở các ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao do số lượng nguyện vọng lớn nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế. Vì vậy, tính phân hóa đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo công bằng và thuận lợi cho quá trình tuyển sinh”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đặt nguyện vọng
Theo thầy Tùng, với điểm thi và phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 đã được công bố, dự kiến điểm chuẩn một số nhóm ngành sẽ có sự điều chỉnh nhẹ so với năm 2024. Theo đó, các ngành từng lấy điểm chuẩn từ 26-27 điểm có khả năng giảm nhẹ do số thí sinh đạt mức điểm cao trong tổ hợp B00 không quá nhiều.
Những ngành có tính cạnh tranh lớn, lấy từ 28 điểm trở lên thuộc các trường đại học top đầu như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nhiều khả năng sẽ giữ nguyên hoặc chỉ biến động rất ít, tùy theo chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành.
Vì vậy, thí sinh nên căn cứ vào kết quả thi thực tế để điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng một cách hợp lý, qua đó tăng khả năng trúng tuyển vào ngành học, trường đại học các em thực sự mong muốn theo đuổi.

Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội trong một buổi học. Ảnh: website nhà trường.
Trong khi đó, thầy Khôi cho rằng, với những thí sinh đang muốn đăng ký theo học trường Y - Dược, điều quan trọng nhất các em phải có đam mê và xác định được sự phù hợp của bản thân với nghề. Đây là ngành đặc thù, thời gian đào tạo kéo dài, khối lượng kiến thức chuyên môn sâu và áp lực học tập cao ngay từ những năm đầu. Không chỉ vậy, sau khi tốt nghiệp, môi trường làm việc của ngành Y - Dược cũng khá căng thẳng đi kèm trách nhiệm lớn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Do vậy, nếu không thực sự yêu nghề và kiên trì sẽ khó để theo đuổi đến cùng.
Nếu thí sinh chọn ngành học này chỉ vì áp lực từ gia đình, xã hội sẽ dễ dẫn đến chán nản, bỏ cuộc giữa chừng, gây lãng phí thời gian. Vì vậy, để có thể đặt nguyện vọng giúp tăng khả năng trúng tuyển, các em cần tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành nghề, tự đánh giá năng lực và sở thích của bản thân trước khi đưa ra lựa chọn, đặc biệt với ngành học đòi hỏi cam kết lâu dài như Y - Dược.
Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần xây dựng một kỳ thi vừa bảo đảm đánh giá được kết quả học tập phổ thông vừa phục vụ tốt công tác tuyển sinh.
"Kỳ thi này phải đảm bảo các tiêu chí như tính tin cậy, khả năng phân loại thí sinh và tính khả thi trong thực tế triển khai. Trong đó, đề thi nên được thiết kế theo hướng đáp ứng được yêu cầu chung của nhiều nhóm ngành nhất có thể, nhằm giảm chi phí và tránh lãng phí nguồn lực xã hội", thầy Tùng nhấn mạnh.
Theo thầy Tùng, hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giúp giảm gánh nặng cho xã hội, tiết kiệm chi phí tổ chức, đồng thời giảm áp lực tâm lý cho học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, với chương trình đào tạo đại học, đặc biệt là khối ngành sức khỏe, thí sinh không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp, làm việc nhóm và phối hợp liên ngành. Vì vậy, các trường có thể có thêm hình thức đánh giá phù hợp để tuyển chọn được người học có năng lực toàn diện.