Khi CEO Nguyễn Lâm Viên đi gây dựng 'thực phẩm thay đổi sự sống'

Khó tin nổi, một 'đại gia' gây dựng nên thương hiệu Vinamit nổi tiếng trong và ngoài nước, đã bước sang tuổi cần nghỉ ngơi, lại đang cần mẫn gây dựng một hướng đi mới cho Vinamit.

Ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit.

Ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit.

“Dự án này mang lại nhiều giá trị cho bản thân, những người xung quanh và cả cộng đồng về lối sống lành mạnh, giải pháp ăn uống để cải thiện sức khỏe”, CEO Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

NÂNG TẦM VÓC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP

Đã thành công và đang phát triển sản phẩm hữu cơ, sấy thăng hoa, phải chăng Vinamit đang thay đổi hướng khi gần đây, ông đưa ra quan niệm “thực phẩm thay đổi sự sống?

Đúng vậy! Ai cũng nhận thấy thực phẩm nhằm mang lại sức khỏe, nuôi dưỡng sự sống của con người. Nếu chúng ta là một sinh mệnh sống, mà lại tiếp cận với những thực phẩm không có sự sống, thì rõ ràng, chúng ta đang không thực sự nuôi sống cơ thể mình. Ngay từ khi khởi nghiệp, những sản phẩm nông sản sấy khô của Vinamit đã mang ý nghĩa tốt cho sức khỏe, khi chế biến sau thu hoạch không cho thêm bất kỳ phụ gia hay nguyên liệu gì, mà chỉ giữ nguyên vẹn trái cây và rau củ quả cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, lúc đó chỉ định hướng theo xu hướng marketing của thị trường là sản xuất đồ ăn chay để xuất khẩu. Sau đó, khoảng từ năm 1997 đến 2004, Vinamit quay lại thị trường nội địa với các sản phẩm đồ ăn vặt và đưa ra những định hướng mới để nâng tầm giá trị của nông sản Việt Nam.

doanh nghiệp và đặc biệt doanh nghiệp nông nghiệp như chúng tôi chỉ cần cơ quan nhà nước đồng hành, cảm thông, chứ không cần hỗ trợ tiền bạc, chính sách. Thật sự, các doanh nghiệp chỉ muốn bình yên để làm thôi. Các cơ quan tới thăm nhiều quá, từ lao động, môi trường, phòng cháy chữa cháy, tài nguyên - môi trường..., mà không mang tính đồng hành thì khổ cho doanh nghiệp lắm.

- Ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit

Tới khoảng năm 2010, tôi nhận thấy phải định hướng lại cho đúng, rằng đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nên đã chuyển hướng chiến lược sản xuất - kinh doanh theo con đường hữu cơ (Organic). Đây mới là con đường chính quy, mới định nghĩa rõ thực phẩm tốt cho sức khỏe là gì, điều gì gây tổn hại cho sức khỏe. Điều này không chỉ là tiêu chuẩn phải phục vụ khách hàng nước ngoài, mà còn chứng minh Việt Nam có thể làm được thực phẩm Organic.

Từ năm 2018 tới nay, tôi đưa chiến lược và sản phẩm lên tầm cao hơn, đó là “thực phẩm thay đổi sự sống". Không còn mập mờ về việc “cứ ăn là sẽ tốt", mà chúng tôi chứng minh thực phẩm hoàn toàn có thể chữa được bệnh. Nếu thay đổi được lối sống này, mọi người có thể tránh và thậm chí là chữa được bệnh tật, thay đổi được cục diện đang xấu hiện tại.

Ông và Vinamit chứng minh bằng cách nào?

Từ năm 2018, khi hình thành khái niệm “thực phẩm thay đổi sự sống”, tôi nhận ra rằng, phải thay đổi từ bên trong mình trước để chứng minh lý thuyết của mình.

Hồi đó, bụng tôi béo, đứng ngồi lúc nào cũng thấy mệt. Mỗi khi vận động mạnh hoặc nhanh, thì hơi thở hắt ra, tim đập nhanh, toàn thân nhức mỏi, người luôn có cảm giác nặng nề. Tâm trạng lúc đó luôn lo ngại bị đột quỵ.

Lúc đó, tôi chạy bộ mỗi ngày 7 -10 km thì có giảm cân, nhưng khớp chân bị đau. Khi chữa hết đau khớp, thì trọng lượng lại trở lại như cũ. Cuối cùng, tôi dùng phương pháp ăn đúng thực phẩm phù hợp và đã giảm cân, giảm mỡ đến mức bạn bè ngạc nhiên.

Sau đó, tôi kiểm tra khoảng 1.000 nhân viên của mình và phát hiện có đến 60% đang bị bệnh, nên đã nghiên cứu đưa từng loại thực phẩm vào thực đơn cá nhân, tùy theo thể trạng và bệnh của mỗi người. Kết quả, các bệnh thuyên giảm tốt.

CEO Nguyễn Lâm Viên và khóa học “Thực phẩm thay đổi sự sống”.

CEO Nguyễn Lâm Viên và khóa học “Thực phẩm thay đổi sự sống”.

KHÉP KÍN DÂY CHUYỀN VÀ CÁ NHÂN HÓA SẢN PHẨM

Từ thực nghiệm đó, ông gây dựng cho chiến lược mới của Vinamit ra sao?

Sau đại dịch Covid-19, người dân không chỉ quan tâm đến ăn ngon, ăn để sống, mà còn dần quan tâm tới việc làm sao ăn để nâng cao được hệ miễn dịch, đề kháng cơ thể, cải thiện bệnh nền... Điều này hoàn toàn phù hợp với giải pháp khoa học có tính bằng chứng của tôi. Dùng đúng thực phẩm được coi là một giải pháp y khoa bằng chứng, sau khi ăn uống đúng cách, đúng phương pháp, thì bệnh trạng sẽ có thay đổi.

Muốn vậy cần có kiến thức, sự hiểu biết về cơ thể của mình. Người ta hay nói về việc “lắng nghe cơ thể”, nhưng sao có thể lắng nghe khi mình chưa hiểu được hệ cơ quan trong cơ thể, cấu trúc như thế nào, chức năng ra sao để áp dụng thực phẩm ăn đúng cách, đúng lúc để có tác động tích cực nhất.

Muốn thế, phải đi truyền tải kiến thức y khoa cho người tiêu dùng trên góc nhìn của một nhà sản xuất thực phẩm, một người ăn thực phẩm, người đang trị bệnh bằng thực phẩm. Từ đó, tôi phải lập cộng đồng, mở nhiều sự kiện, lớp học để truyền bá các kiến thức về cơ thể con người. Tại khóa thứ nhất, tôi đã chọn học viên (70 người) là các doanh nhân, bởi các doanh nhân mới có thể làm nhanh và mạnh được. Họ sẽ là những cánh tay nối dài của tôi để mở ra một góc nhìn mới cho công chúng. Có như vậy thì đi mới nhanh, tạo ra sự bùng nổ của khoa học lối sống.

Vinamit cũng đã đào tạo 25 kỹ sư nông nghiệp, chế biến trở thành chuyên gia dinh dưỡng, sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay và đầu năm 2023. Nhân viên của tôi hiện có 5 người có bằng cao đẳng y tế.

Tất cả sự chuẩn bị trên sẽ vô nghĩa nếu như khâu sản xuất không đạt. Tuy nhiên, Vinamit đã có nền tảng vật chất, vì khâu chế biến đã có, với nhà máy đông khô có công suất lớn nhất TP.HCM, có trung tâm sinh học lớn.

Về sản xuất, chúng tôi có trang trại ở các địa phương, với diện tích 10-30 ha, mỗi trang trại lại có một kỹ sư phụ trách và gắn kết với các trang trại nhỏ xung quanh.

Ví dụ, hiện nay, chúng tôi đang trồng dứa tại Đắk Nông, xung quanh cũng có vài hộ gia đình, cá nhân trồng theo và trở thành các trang trại vệ tinh. Khi trồng, các kỹ sư của chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân trồng theo các tiêu chuẩn, yêu cầu của mình. Sau này, dần dần các trang trại trung tâm của chúng tôi sẽ phát triển thành cơ sở chế biến luôn, nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành.

Với thành phẩm, thay vì đưa vào siêu thị để bán đại trà, Vinamit sẽ cá nhân hóa kinh doanh, tức là hình thành sản phẩm cho từng cá nhân. Để làm được vậy, phải có một sự chuẩn bị rất kỳ công. Ví dụ, để phục vụ bữa ăn cho một người, cần có ít nhất một người làm trong vòng 2-3 tiếng với nguyên liệu đã chín, sẵn sàng, sau đó sơ chế, gọt vỏ... Thế nên, Vinamit sẽ làm một nhà hàng theo chế độ Plant based (chế độ ăn theo thực vật). Nhà hàng sẽ làm thực đơn đúng theo nhu cầu của khách hàng và cung cấp đồ ăn theo đúng công thức đó. Chẳng hạn, bệnh nhân muốn giảm mỡ nội tạng, thì chúng tôi sẽ làm luôn combo cho khách hàng.

Sau đại dịch, nhiều cộng đồng đã có những hướng dẫn nguy hiểm về sức khỏe, như uống dầu để thải độc gan, thụt tháo đại tràng, uống nhiều sinh tố rồi uống thuốc xổ... Đó là những phương pháp thiếu khoa học. Điều đó cũng cho thấy, những chiến lược của Vinamit là kịp thời. Nếu không làm điều đó, thì việc sản xuất hữu cơ không còn ý nghĩa.

LÀM VÌ Ý NGHĨA LỚN CỦA CUỘC ĐỜI

Với hướng đi như vậy của Vinamit, thị phần liệu có quá nhỏ, quá “ngách” và liệu có đủ lợi nhuận, thưa ông?

Theo tính toán của tôi, nhà hàng theo chế độ Plant based cung cấp trung bình một ngày 3 bữa cơm hoàn chỉnh, đầy đủ thực phẩm hữu cơ, có thể chữa bệnh với giá trung bình 300.000 - 350.000 đồng, tính cả tiền vận chuyển. Giá này có thể cao gấp khoảng 3 lần bữa cơm bình thường, nhưng giá trị mang lại thì gấp hàng trăm lần, nên theo tôi, việc kinh doanh thực phẩm hữu cơ là hoàn toàn khả thi, không hề đắt. Hiện tại, người ta có thể đi uống ly trà sữa, một ly nước cả trăm ngàn đồng, mà chưa chắc no, lại không có nhiều giá trị dinh dưỡng.

Vậy nên, việc cá nhân hóa tốt hơn theo nhu cầu của khách hàng là cần thiết.

Tất nhiên, cũng phải xác định, lợi nhuận khó thể bù đắp chi phí, bởi thị trường rất “ngách”. Từ sản xuất Organic (năm 2010) cho đến khi nâng tầm lên “thực phẩm thay đổi sự sống”, tôi đã chấp nhận chưa thu được nhiều tiền, chưa thể bù đắp lại số vốn bỏ ra. Nhưng mục tiêu này mang lại một ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời của khi chứng minh được một liệu pháp do mình nghiên cứu ra. Đồng thời, tôi cũng tin rằng, dự án này mang lại nhiều giá trị cho bản thân, những người xung quanh và cả cộng đồng về lối sống lành mạnh, giải pháp ăn uống để cải thiện sức khỏe.

Tôi vẫn cho rằng, đây là hướng đi đúng và sẽ là ngọn cờ tiên phong cho những doanh nghiệp thực phẩm đi theo hướng “tử tế” sau này.

Tất nhiên, Vinamit vẫn giữ các mảng kinh doanh khác để có lợi nhuận “nuôi nó”.

Sơn Ngân thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khi-ceo-nguyen-lam-vien-di-gay-dung-thuc-pham-thay-doi-su-song-d175346.html