Khát bên dòng Amazon hùng vĩ
Kể từ cuối tháng 9 năm ngoái tới nay, đã 1 năm sông Amazon cạn nước. Khi con sông vĩ đại bậc nhất thế giới cạn dòng, không chỉ các quốc gia Nam Mỹ lo ngại mà nó còn làm dấy lên mối lo khủng hoảng khí hậu mang tính toàn cầu.
Những chiếc thuyền máy nằm nghiêng trong bùn đất thay vì để chở cá, trái cây, rau củ hay chở du khách như mọi khi. Hồ Puraquequara, một trong những nơi bị khô hạn nhất bang Amazonas (Brazil) cạn đến mức người dân có thể trồng cây và đào giếng trong lòng hồ.
Trái đất đang biến động dữ dội
Hồ Puraquequara cực lớn không chỉ cung cấp nước cho dòng Amazon mà đôi khi nó còn nhận một lượng nước rất lớn khi nước sông lên. Ông Ivalmir Silva, cư dân địa phương cho biết, do nước sông Amazon cũng như hồ Puraquequara khô cạn, người dân đành phải đào giếng để dẫn nước vào những ngôi nhà nổi vốn được dựng lên trong hồ. Còn anh Isac Cicero Rodrigues - chủ một ngôi nhà nổi, cho biết họ gần như bị cô lập, không thể đi lại do hồ cạn trơ đáy.
Trong khi đó, ông Severino Moreira dos Santos nói, nhà hàng của ông đã lâu không có khách vì mọi thứ đều bị mắc kẹt, không một chiếc thuyền nào đi được qua những vũng lầy.
Bà Ana Paula Cunha - nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Giám sát thiên tai Brazil cho biết, mùa khô thường kéo dài trong khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm. Nhưng những gì đã qua cho thấy đã 1 năm hạn hán làm cho sông Amazon cũng như những hồ nước liên quan khô cạn. “Những cộng đồng dân cư sống dựa vào sông Amazon đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dòng sông vĩ đại này cạn dòng là một minh chứng rõ nét nhất khí hậu Trái đất đang biến động dữ dội” - bà Cunha nói.
Việc sông Amazon đang khô cạn còn thể hiện ở sông Solimoes - một trong những nhánh chính của sông Amazon, bắt nguồn từ dãy núi Andes của Peru. Thị trấn Tabatinga thuộc Brazil gần biên giới với Colombia vốn được coi là nơi dễ sống do được sông Solimoes tưới tắm. Nhưng tại thời điểm này, mực nước của sông đã thấp hơn 4,25m so với mức trung bình nửa đầu tháng 9.
"Chúng ta đang trải qua một thời điểm vô cùng quan trọng khi hạn hán đã phá vỡ kỷ lục của cả trăm năm. Không ai có thể tưởng tượng nổi đến lúc nào đó dòng Amazon hùng vĩ cũng như các phụ lưu của nó lại khô cạn như bây giờ” - Romulo Batista, người phát ngôn của Tổ chức Hòa bình xanh nói.
Tại Manaus, nơi sông Solimoes hợp lưu với sông Rio Negro để chảy vào sông Amazon, mực nước ngày càng xuống thấp. Theo Trung tâm Giám sát và Cảnh báo sớm thiên tai Brazil, đợt hạn hán hiện nay là dữ dội và lan rộng nhất mà nước này từng trải qua, tính từ năm 1950. Hiện thời người ta dễ dàng bắt gặp lũ trẻ chơi đùa trên bãi cát sông Madeira (phụ lưu của sông Amazon) tại bang Amazonas, Brazil. Những ngôi nhà bên một con sông khô cạn ở Igarape Do Xidarinim nhìn thật thảm thương với những người đàn bà lam lũ mang những chiếc thùng băng qua qua bãi cát của dòng sông cạn kiệt để tìm nước. Cách đó không xa, hai bên bờ sông Rio Negro cũng là cảnh những vạt cây rừng vốn xanh tốt nay lá đã bị táp héo khô. Còn ở nơi vốn là lòng sông thì nay chỉ thấy những con thuyền mắc cạn.
Cuộc sống bị biến đổi vĩnh viễn
Hạn hán kéo dài từ tháng 9/2023 tới nay đi cùng lượng mưa rất ít đã khiến mực nước sông Amazon giảm nhanh chóng. Cơ quan Địa chất Brazil (SGB) cảnh báo mực nước sông còn tiếp tục giảm nếu như từ tháng 10 năm nay trời vẫn ít mưa. Đại diện của SGB cho rằng, nếu coi tháng 9/2023 là tháng khô hạn lịch sử thì sau 1 năm, “lịch sử đã lặp lại” với mức độ dữ dội hơn.
Nước sông cạn và bẩn khiến cư dân sống ven sông phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước uống bên ngoài. Ở nhiều nơi dọc theo dòng Amazon và các sông phụ lưu, nhiều cộng đồng dân cư đã và đang phải đối mặt với tình trạng cô lập do việc đi lại trên sông ngày càng khó khăn.
“Trước đây, chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Amazon. Nhưng hơn 1 năm qua, hầu như không còn kiếm được gì vì nước sông quá cạn, cá chết và cũng không sinh sôi được nữa” - ông Guilherme, người gắn bó với nhánh sông Rio Negro năm nay đã 75 tuổi nói và cho biết thêm rằng, việc sông cạn nước khiến mùa màng thất bát, cá chết hàng loạt gây tổn hại cho các cộng đồng ven sông sống bằng nghề đánh bắt cá.
Theo Trung tâm Giám sát thiên tai Brazil, mặc dù khu vực Amazon đã phải đối mặt với ít nhất 3 đợt hạn hán dữ dội trong 20 năm qua nhưng quy mô của đợt hạn hán lần này là khủng khiếp nhất khi nó ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực sông Amazon.
Tiến sĩ Maria Amelia, người có tuổi thơ đẹp đẽ bên hồ Puraquequara (bang Amazonas, Brazil) sau đó đã chuyển về Sao Paulo làm việc kể rằng, đầu tháng 9 vừa qua cô có việc trở lại làng. Cho dù qua truyền thông Amelia biết hạn hán là vô cùng dữ dội, nhưng cô vẫn bất ngờ trước sự thu hẹp quá đáng của hồ nước.
“Tuổi thơ của tôi vụt qua trước sự chết dần của hồ nước. Khả năng phục hồi của hồ Puraquequara là hầu như không tưởng. Những người bà con của tôi đang rời khỏi cộng đồng. Cuộc sống của họ đã bị biến đổi vĩnh viễn vì họ không thể sống khát bên dòng sông Amazon hùng vĩ nữa” - tiến sĩ Amelia buồn bã nói.
Nước sông Amazon tại Brazil thấp nhất trong hơn 100 năm qua. Tại cảng Manaus, nơi hai dòng sông Rio Negro và Amazon giao nhau, giữa tháng 9/2024, nước sông ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1902. Cơ quan Phòng vệ dân sự của bang Amazonas cho biết tình trạng hạn hán đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trong khu vực, nhiều ngôi làng ven sông dần vãn người sinh sống. Bà Luciana Valentin - một người dân sinh sống ở Santa Helena do Ingles, lo ngại sau đợt hạn hán khốc liệt này sông Amazon không thể hồi phục, kéo theo sự biến mất của nhiều cộng đồng sinh sống dọc theo dòng sông. Trong khi đó, theo tiến sĩ Maria Amelia, trong quá khứ các nền văn minh hình thành theo những dòng sông và Amazon cũng không phải là ngoại lệ. “Nếu biến đổi khí hậu ngày một ác liệt, dòng Amazon vĩ đại cạn kiệt, thì điều gì sẽ xảy ra?” - bà Amelia lo lắng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khat-ben-dong-amazon-hung-vi-10291336.html