Khẩn trương hoàn thiện nghị định mới về quản lý hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, đường thủy
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 159/2018 quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa với nhiều quy định mới.
Cục Đường thủy nội địa VN chủ động, tích cực xây dựng dự thảo
Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, ngày 3/11/2023, Bộ GTVT gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định và báo cáo đánh giá tác động dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ - CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ).
Trước đó, ngày 28/8/2023, Bộ GTVT có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định và nhận được 67 văn bản tham gia ý kiến. Trong thời gian qua, Cục Hàng hải VN và Cục Đường thủy nội địa VN chủ động, tích cực chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định.
Về Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý; Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 2/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, nạo vét kết hợp thu hồi, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông; Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 5/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa.
Sau khi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP được ban hành và các thông tư hướng dẫn có hiệu lực thi hành đã có tác động rất lớn đối với việc duy trì hoạt động thường xuyên của các tuyến luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa hoạt động giao thông, dịch vụ vận tải, hoạt động phát triển đội tàu biển quốc gia, góp phần tích cực vào thành tựu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Công tác nạo vét duy tu hoạt động hiệu quả đã góp phần gia tăng lượt tàu và lượng hàng qua cảng, đặc biệt là tàu có trọng tải và mớn nước lớn. Ngoài ra, việc đảm bảo ổn định độ sâu luồng đã nâng cao khả năng chạy tàu và mức độ an toàn cho tàu vào, rời cảng; góp phần giảm thiểu thời gian neo chờ tàu tại cảng. Độ sâu luồng đảm bảo việc lưu thông tàu thuyền thông suốt và giảm mật độ tàu thuyền lưu thông trong cùng thời điểm. Việc đảm bảo độ sâu luồng góp phần nâng cao hiệu quả khai thác đối với hệ thống cảng biển tại khu vực, cảng thủy nội địa tạo điều kiện để doanh nghiệp cảng chủ động trong công tác điều động, tiếp nhận tàu thuyền và bố trí phương án làm hàng phù hợp; góp phần tăng năng suất xếp dỡ hàng và thu ngắn thời gian lưu trữ tàu tại cảng biển do giảm thời gian phụ thuộc con nước, thời gian neo chờ, chờ cầu trong thời gian các đoạn cạn bị sa bồi chưa được nạo vét kịp thời.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 159/2018/NĐ-CP còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai. Trong đó, có thể kể đến: tại Điều 6 nghị định quy định hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển phải lập phương án bảo đảm ATGT, trong khi tại Điều 8 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển cũng phải lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải (cơ bản có các yêu cầu tương tự).
Hay quy định về địa điểm đổ thải, khoản 2 Điều 47 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý trước ngày 30 tháng 1 hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh chưa triển khai được quy định trên do đó chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí đổ chất nạo vét.
Đối với công tác nạo vét vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định số 159/2018/NĐ-CP là tại khoản 7, Điều 29 quy định về giá trị sản phẩm thu hồi và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi. Mặc dù vậy, bất cập là chưa quy định chi tiết phương pháp xác định và thẩm quyền ban hành giá sản phẩm nạo vét thu hồi và phương án xử lý phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi; chưa quy định các khoản chi phí hợp lý liên quan đến thực hiện dự án như lãi suất vay huy động vốn thực hiện dự án, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư thực hiện dự án nên không đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước khi thực hiện dự án (tham khảo Luật PPP thì phương án tài chính của dự án có các khoản chi phí này).
Còn tại khoản 2 Điều 49 chưa quy định cụ thể các bước thực hiện đối với dự án chuyển tiếp dẫn đến lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với các dự án chuyển tiếp. Ngoài ra, tại nghị định chưa có quy định đối với trường hợp nạo vét khu nước trước bến cảng, luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm nên cần bổ sung để quản lý đối với trường hợp này.
Vì vậy, việc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP là thực sự cần thiết, cấp bách để khắc phục những khó khăn tồn tại, vướng mắc nêu trên.
Phân cấp rõ ràng, thủ tục thuận lợi và thu hút đầu tư
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, một trong mục tiêu xây dựng nội dung dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 159/2018 của Chính phủ là không trái với Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, thống nhất quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động nạo vét duy tu, đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại cảng biển và cảng, bến thủy nội địa.
Theo đó, các quy định cụ thể tại dự thảo nghị định nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành; phân công, phân cấp ủy quyền rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị; là cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý, tổ chức thực hiện công tác nạo vét, duy tu hàng hải, khu nước, vùng nước hàng hải công khai, minh bạch; phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện nạo vét duy tu, các cơ quan chính quyền địa phương, cộng đồng...
Dự thảo cũng quy định mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng, với việc quy định cụ thể về các nội dung cần tuân thủ, thủ tục đối với các dự án do tổ chức, cá nhân thực hiện bằng mọi nguồn kinh phí. Đưa ra quy chế quản lý hoạt động phù hợp với từng loại hình nạo vét; kêu gọi, khuyến khích đầu tư nạo vét không sử dụng ngân sách nhà nước;
So với quy định hiện hành, dự thảo nghị định mới rút gọn và cụ thể hóa thủ tục nhằm tạo thuận lợi nhanh chóng, hiệu quả, vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đấu thầu, môi trường; rút ngắn thời gian, giảm thủ tục triển khai công tác bảo vệ môi trường tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí.
Nhằm phòng chống tiêu cực, dự thảo cũng quy định về việc công khai các thông tin của các dự án nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và luồng đường thủy nội địa (như: kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, thông tin về nhà thầu tham gia thi công, nhà thầu bị xử lý vi phạm, danh sách các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, chủ đầu tư, tiến độ thi công...). Quy định liên quan đến việc lắp đặt thiết bị giám sát nạo vét để giám sát phương tiện vận chuyển bùn đất nạo vét đổ đúng vị trí quy định; quy định áp dụng phương pháp đo đạc khảo sát trong công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải và luồng đường thủy nội địa để bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch trong khảo sát lập bản vẽ thiết kế thi công, đo bàn giao mặt bằng thi công, đo nghiệm thu kết quả thi công.
"Khi nghị định mới có hiệu lực sẽ góp phần thu hút các nguồn lực tham gia hoạt động nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước hàng hải và luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa nhằm thiết lập và duy trì môi trường, ATGT, an toàn an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho phát triển thương mại, kinh tế biển và mục tiêu nhân đạo, kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh, phối hợp tìm kiểm cứu nạn, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo phù hợp với các quy định của pháp luật", theo Bộ GTVT.