Khắc phục tình trạng quá tải công việc
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương có dân số đông nhất cả nước. Áp lực dân số khiến khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi rơi vào quá tải. Cùng với đó, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến còn bất cập khiến không ít người lao động xin nghỉ việc.
Thực tế này đã tiếp tục đặt gánh nặng công việc lên các cán bộ, công chức, viên chức khác.
Áp lực vì quá tải
Phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức có diện tích 647ha, dân số 107.000 người. Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Với số dân này, lượng công việc của phường là rất lớn, trong khi số cán bộ, công chức lại giảm liên tục trong mấy năm gần đây.
Trước năm 2019, cả phường có 62 cán bộ, công chức, viên chức thì đến nay chỉ còn 34 người. Do việc xin bổ sung, thay thế rất khó khăn, phải có thời gian để sắp xếp cho nên áp lực công việc vốn đã nhiều nay lại “đổ dồn” lên số cán bộ, công chức, viên chức hiện hữu. Tương tự, tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Ngân cho biết: Hiện nay, phường có 27 khu phố, 372 tổ dân phố với 31.025 hộ, 125.894 nhân khẩu chiếm 15,5% so tổng dân số cả quận. Trong khi đó toàn bộ cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phường được giao năm 2022 chỉ là 36 người (22 cán bộ, công chức, 14 cán bộ không chuyên trách).
Theo ông Ngân, khi giảm số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phường thì khối lượng công việc của từng người sẽ tăng lên. Thí dụ như cán bộ kinh tế phường, trước đây mỗi người quản lý từ năm đến bảy khu phố với hơn 1.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thì hiện một người “ôm” 27 khu phố với gần 6.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra, họ còn phải thực hiện một số công việc thuộc lĩnh vực khác… Do đó, chất lượng phục vụ giảm xuống. Không chỉ bị quá tải trong giải quyết thủ tục hành chính mà nhiều bất cập khác như công tác quản lý, điều hành, tham mưu bị hạn chế, thiếu tính chủ động trong giải quyết các sự việc phát sinh, phối hợp trong công tác xác minh, công tác quản lý địa bàn; đồng thời gặp rất nhiều áp lực, khó khăn trong giải quyết công việc, nhất là ở một số lĩnh vực nóng như đất đai, xây dựng, vệ sinh môi trường, văn hóa-xã hội…
Riêng công chức được phân công tiếp nhận và xử lý thông tin từ cổng thông tin 1022 càng khó khăn hơn, do có những nội dung phản ánh phải xử lý theo quy định là trong hai giờ đồng hồ (bất kể ngày, đêm).
Theo thống kê của Sở Nội vụ thành phố hiện có nhiều xã, phường có dân số hơn 100.000, như: Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức),… Số địa phương có dân số xấp xỉ 100 nghìn dân cũng lớn. Nhiều đại biểu Quốc hội thành phố trong các lần thực hiện giám sát, làm việc với các quận, huyện cũng bất ngờ khi trụ sở phường sáng đèn đến tối muộn do số hồ sơ, thủ tục hành chính bị tồn đọng quá lớn. Đại biểu Trần Kim Yến kể, cả quận 1, tuy dân số chỉ hơn 140.000 người nhưng trong ngày, số khách vãng lai giao dịch có khi tăng lên đến hơn một triệu người.
Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ
Theo Sở Nội vụ, trong hai năm rưỡi qua (từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022), thành phố có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Ở Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư lần lượt có 23 và 22 người xin nghỉ việc. Trong khi đó, thành phố Thủ Đức là địa phương có số cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều nhất với 40 người, tiếp đó là quận 6 với 35 người. Ngành giáo dục có số lượng người lao động xin nghỉ nhiều nhất với hơn 2.400 người. Con số này ở ngành y tế là 2.145 người, số còn lại là các lĩnh vực sự nghiệp khác.
Trong văn bản khẩn gửi Bộ Nội vụ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu ba nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc là do áp lực công việc, chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến;... còn nhiều bất cập. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức cho biết, họ bị quá tải công việc gây ảnh hưởng tâm lý, đời sống, nhất là cán bộ, công chức, viên chức lĩnh vực y tế, giáo dục và ở phường, xã, thị trấn trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Về thu nhập, so với khối lượng công việc thực hiện thì chế độ tiền lương, các chính sách đãi ngộ hiện vẫn chưa thật sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như không tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến.
Bài toán nghỉ việc trong cán bộ, công chức, viên chức đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của thành phố. Với ngành giáo dục, ngoài việc gia tăng học sinh cơ học, tình trạng giáo viên xin nghỉ việc cũng khiến ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển giáo viên mỗi đầu năm học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Năm học 2022-2023, ngành giáo dục thành phố cần tuyển hơn 5.240 giáo viên. Thực tế cho thấy, một số quy định của Trung ương chưa phù hợp thực tiễn cho nên khi triển khai gặp phải những trở ngại như vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên môn ngoại ngữ, tin học; nhân viên y tế trường học,…
Ngành giáo dục thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động liên kết, chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ, theo định mức quy định và theo tình hình thực tế để làm cơ sở tuyển dụng mới giáo viên...
Ở cấp phường, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A Nguyễn Văn Ngân đề xuất, thành phố kiến nghị Trung ương cho phép thành phố bố trí, bổ sung đối với phường có hơn 50.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân, bố trí thêm một công chức, cán bộ không chuyên trách; cho phép thành phố bổ sung đối với phường có hơn 100.000 dân nhưng không đủ điều kiện để tách phường thì bố trí thêm một Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực kinh tế-môi trường.
Để giải bài toán này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố năm 2022. Kế hoạch này nhằm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương theo Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố để phát hiện, lựa chọn được những người có đức, có tài bố trí đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị, đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị và thành phố.
Theo nhiều đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, với tầm vóc của thành phố, quá trình thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố cho thấy nhiều khó khăn, hạn chế cho nên thành phố đề xuất Trung ương cho phép thành phố quyết định số lượng, mức chi cho lực lượng hoạt động không chuyên trách ở xã, phường. Cùng với xác định số lượng biên chế phù hợp, nên xem xét về chế độ chính sách nhằm tăng thêm thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức, viên chức.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khac-phuc-tinh-trang-qua-tai-cong-viec-post719829.html