Khắc phục tình trạng 'dàn đều' biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng qua, các đại biểu nhất trí quy định Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý, dự thảo Luật cần có điều khoản chuyển tiếp về vấn đề này, cụ thể đối với các sở không thuộc đối tượng được thành lập thanh tra, hoặc hiện đang có Phòng Thanh tra hoặc thanh tra được lồng ghép ở các tổ chức khác thì xử lý như thế nào.

Đáp ứng đặc thù, yêu cầu quản lý của từng địa phương

Quy định về Thanh tra sở là nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Một số ý kiến đề nghị không phân quyền vấn đề này cho UBND cấp tỉnh vì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất về tổ chức bộ máy. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập Thanh tra sở để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, còn lại giao UBND tỉnh quyết định thành lập để phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, khắc phục tình trạng “dàn đều” biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở, dẫn đến thực trạng nhiều nơi Thanh tra sở chỉ bố trí được 2 - 3 người nên hoạt động khó bảo đảm hiệu quả.

Tuy nhiên, việc phân quyền hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực có phạm vi quản lý chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật, như đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, tài chính, giáo dục… nếu địa phương không quyết định thành lập thanh tra sở.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, quy định như vậy vừa bảo đảm được yêu cầu về quản lý nhà nước, sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước (đối với những sở được thành lập cơ quan Thanh tra theo quy định của Chính phủ), vừa đáp ứng được đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương (đối với những sở được thành lập cơ quan thanh tra theo quyết định của UBND cấp tỉnh); đồng thời, vẫn thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Mặt khác, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, chính quyền địa phương chủ động trong việc quyết định tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Quy định rõ thẩm quyền thành lập Thanh tra sở

Thống nhất với quy định thành lập Thanh tra sở, song ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An), ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) còn băn khoăn về thẩm quyền thành lập Thanh tra sở chưa rõ ràng, khó thực hiện. Cụ thể, dự thảo Luật quy định, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra các sở khác, còn thanh tra tại một số đơn vị, một số sở có phạm vi rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp lại theo quy định của Chính phủ mà không rõ cơ quan nào quyết định thành lập. Trước đó, trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, nhiều ý kiến đã thống nhất giao UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở. Theo các đại biểu, dự thảo Luật lần này cũng nên quy định rõ nguyên tắc UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở (trên cơ sở quy định của Chính phủ) tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và quản lý chuyên ngành phức tạp, nhằm bảo đảm tính thống nhất, bình đẳng giữa các tổ chức này.

Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị, dự thảo Luật cần có điều khoản chuyển tiếp về vấn đề này. Cụ thể đối với các sở không thuộc đối tượng được thành lập thanh tra, hoặc hiện đang có Phòng Thanh tra hoặc thanh tra được lồng ghép ở các tổ chức khác thì xử lý như thế nào khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành. Mặt khác, dự án Luật cần quy định nguyên tắc khi Chính phủ quyết định các sở được tổ chức thanh tra thì cần tính đến đặc thù của từng địa phương, đặc biệt là đối với các địa phương có địa bàn có quy mô diện tích, dân số lớn để quy định mức biên chế đối với các tổ chức thanh tra, nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không nên "đánh đồng" các đơn vị với nhau.

Cho rằng cần có quy định thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập Thanh tra sở trên phạm vi cả nước, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) thẳng thắn, chức năng nhiệm vụ của các sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh đã được quy định rất rõ tại Nghị định số 107 ngày 14.9.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, phạm vi quản lý và yêu cầu quản lý chuyên ngành của từng sở là rất rõ. Vì vậy, nên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh quy định tại nghị định này để quy định việc thành lập Thanh tra cấp sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất.

Thành lập Thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp có nghĩa là chỉ một số sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) khẳng định, quy định này sẽ góp phần làm giảm sự chồng chéo trong thanh tra; việc tất cả các sở có cơ quan thanh tra chưa thật sự hợp lý. Đơn cử, một trường học phải nằm trong sự thanh tra chuyên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo, thanh tra Sở Tài chính, thanh tra Sở Nội vụ, có những năm, trường liên tục phải đón các Đoàn thanh tra, dẫn đến hình ảnh Thanh tra đối với giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường không còn thân thiện nữa. Do đó, theo đại biểu, giảm Thanh tra cấp sở nhưng phân cấp nhiều hơn cho Thanh tra cấp huyện và sau khi Luật có hiệu lực phải sớm hướng dẫn để tổ chức lại bộ máy và tạo điều kiện để Thanh tra huyện thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khac-phuc-tinh-trang-dan-deu-bien-che-cho-co-quan-thanh-tra-o-tat-ca-cac-so-i300182/