Kết quả nổi bật trong ứng dụng khoa học và công nghệ
An Giang là vựa lúa của ĐBSCL, vùng sản xuất thủy sản, rau màu, phục vụ tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Từ lâu, tỉnh xác định khoa học - công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo là quyết sách hàng đầu, là động lực chính để nâng cao trình độ sản xuất - kinh doanh (SXKD), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Từ đó, tạo giá trị gia tăng của các nông sản chủ lực và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Chính vì thế, dù trong điều kiện còn khó khăn, nhưng An Giang chú trọng và quan tâm dành nguồn ngân sách cho hoạt động KH&CN. Đồng thời, linh hoạt lựa chọn các lĩnh vực mang tính động lực, có thế mạnh, như: Cây lúa, cá tra, rau màu… để đầu tư mang lại hiệu quả tích cực; tranh thủ các DN có quy mô lớn để đầu tư trên lĩnh vực KH&CN…
Theo Giám đốc Sở KH&CN Tầng Phú An, thực hiện Quyết định 71/2019/QĐ-UBND, ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh (ban hành Quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh), đến nay, đạt nhiều kết quả nổi bật trong hỗ trợ, ứng dụng KH&CN, mang hiệu quả kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2019 đến nay, hỗ trợ triển khai nhiều dự án sản xuất thử nghiệm, ứng dụng đổi mới công nghệ với tổng kinh phí thực hiện 6,55 tỷ đồng (trong đó, nguồn sự nghiệp KH&CN hỗ trợ trên 3 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa đóng góp gần 3,5 tỷ đồng). Điển hình là 2 dự án: Ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất lúa tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sơn Hòa. Theo đó, HTX sử dụng thiết bị bay không người lái DJI Agras T30, giúp tăng công suất làm việc gấp 44 lần so sử dụng máy phun động cơ 2 thì khi thực hiện phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tăng công suất làm việc gấp 6,78 lần khi thực hiện rải phân và tăng công suất làm việc gấp 3,13 lần khi thực hiện sạ lúa, nhưng vẫn duy trì năng suất lúa ở mức tương đương hoặc cao hơn so với trước khi triển khai dự án. Ứng dụng dây chuyền phối trộn tự động vào quy trình sản xuất phân bón vô cơ của Công ty Cổ phần Hóa Nông An Giang. Công ty ứng dụng dây chuyền sản xuất phân bón trong 6 tháng đã sản xuất 4.960 tấn/10 loại phân. Công suất sản xuất ước tính đạt 8 tấn/giờ (cao hơn so áp dụng dây chuyền cũ 5 tấn/giờ). Hơn nữa, chất lượng hạt phân có tỷ lệ đồng nhất kích thước 4mm đạt 97%. Bốn loại phân được sản xuất bằng công nghệ phối trộn và cán ép đạt tiêu chuẩn chất lượng theo danh mục đăng ký lưu hành. Dây chuyền góp phần giảm nhân công lao động tại các công đoạn thủ công từ 11 người xuống 5 người; thời gian thu hồi vốn trong khoảng 2 năm.
Vào tháng 5 hàng năm, ngành KH&CN tổ chức các phong trào thi đua lập nhiều thành tích chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 với nhiều hình thức, nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực. Những tháng đầu năm 2024, Sở KH&CN hỗ trợ thực hiện 4 dự án, gồm: Hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa được chọn tạo ở tỉnh; cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá heo (Botia modesta Bleeker, 1865); thử nghiệm mô hình nuôi gà Isa Brown đẻ trứng tại huyện Châu Phú... Đồng thời, tham dự hội đồng thẩm định kinh phí 2 dự án: Xây dựng mô hình sản xuất cây giống và trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Phú; ứng dụng và hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ cho cây sầu riêng Ri 6 và Dona.
Sở KH&CN cấp 3 giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN 2 nhiệm vụ cấp cơ sở: Phát triển kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị gắn với đề án "Mỗi xã 1 sản phẩm" ở huyện Châu Thành, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở TP. Châu Đốc giai đoạn 2025 - 2030 và định hướng đến năm 2045, đồng thời cập nhật thông tin lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Cấp giấy chứng nhận 1 nhiệm vụ cấp tỉnh về nghiên cứu phát triển và xây dựng mô hình địa du lịch tại An Giang, đồng thời cập nhật thông tin lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.
Thời gian tới, An Giang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, tự động hóa, công nghệ số… trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu, như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, vật liệu mới, năng lượng, y tế, giáo dục, công nghệ sinh học... Đồng thời, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, gắn với sản xuất và đời sống. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.