Kế hoạch mở rộng của hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất thế giới được quan tâm lớn ở Trung Quốc
Kế hoạch mở rộng ra bên ngoài Hà Lan của ASML được rất nhiều người theo dõi ở Trung Quốc, nơi một số dân mạng tin rằng việc Hà Lan hạn chế xuất khẩu các máy sản xuất chip tiên tiến là nguyên nhân khiến công ty có thể di dời địa điểm.
Theo bản tin gần đây của Reuters, ASML (công ty độc quyền về các công cụ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới) đang cân nhắc việc mở rộng ra ngoài trụ sở chính ở Hà Lan, trong đó Pháp là một lựa chọn.
Phải đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng của Mỹ và Hà Lan với việc bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho khách hàng ở Trung Quốc, ASML lo ngại về môi trường kinh doanh đang xấu đi sau khi đảng Tự do theo đường lối cực hữu giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vào tháng 11.2023.
Trung Quốc không được biết đến là đối tượng được cân nhắc chính trong các kế hoạch mở rộng của ASML. Thế nhưng, các chuyên gia và người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc tự đưa ra giả định hoặc suy luận rằng ASML có thể đang cân nhắc mở rộng do bất mãn với các hạn chế hoặc vấn đề liên quan đến quốc gia châu Á.
Xiang Ligang, người sáng lập cổng thông tin viễn thông CCTime có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết những cân nhắc của ASML phản ánh sự thất vọng với các hoạt động kinh doanh gặp khó khăn tại Trung Quốc.
“Chính phủ Hà Lan đã cúi đầu trước áp lực từ Mỹ bằng cách đình chỉ xuất khẩu hệ thống khắc quang cực tím sâu (DUV) của ASML sang Trung Quốc. Đây không chỉ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc mà còn cả với ASML. Lối thoát duy nhất của ASML là tìm kiếm một địa điểm mới. Nếu Hà Lan không thể bảo vệ lợi ích của ASML, công ty này phải tìm một quốc gia khác có thể bảo vệ”, Xiang Ligang viết trên nền tảng tiểu blog Weibo.
Phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc tràn ngập suy đoán rằng ASML muốn mở rộng ra ngoài quê hương một phần vì họ phải chịu đủ áp lực do Mỹ dẫn đầu để hạn chế doanh số bán hàng của công ty sang Trung Quốc. Đây là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới và cuồng nhiệt với các sản phẩm ASML.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những quy định từ Mỹ hạn chế bán máy DUV tiên tiến cho Trung Quốc sẽ áp dụng cho ASML ngay cả khi hãng chuyển địa điểm sang các khu vực khác của châu Âu.
Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc công nghệ và địa chính trị tại Stiftung Neue Verantwortung (tổ chức tư vấn chính sách công nghệ có trụ sở tại Berlin, thủ đô Đức), cho biết: “Việc chuyển đến Pháp về cơ bản sẽ không thay đổi tình hình của ASML về mặt bị kiểm soát xuất khẩu”.
ASML không coi Trung Quốc là lý do để có thể mở rộng ra bên ngoài Hà Lan. Công ty đã từ chối bình luận khi được trang SCMP liên hệ.
Theo một kỹ sư ASML, người yêu cầu giấu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, việc ASML chuyển địa điểm sang Pháp cũng sẽ không thực tế vì công ty thiếu nhà cung cấp và lượng khách hàng lớn ở nước này.
Người này nói thêm rằng, về mặt kỹ thuật, ASML có nhiều khả năng chuyển cơ sở sang Đức hơn, nhưng khả năng di dời nhìn chung là thấp vì điều đó sẽ kéo theo chi phí cao hơn.
Theo trang web của công ty, ASML có 3 văn phòng ở Đức và 1 tại Pháp. Christophe Fouquet, Giám đốc kinh doanh ASML (quốc tịch Pháp), sẽ tiếp quản vị trí giám đốc điều hành khi Peter Wennink nghỉ hưu vào tháng 4.
Có 13 văn phòng trên khắp Trung Quốc, ASML là một trong những nhà cung cấp công cụ in thạch bản quan trọng nhất - rất cần thiết cho việc sản xuất chip tiên tiến. Năm ngoái, việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các hệ thống tiên tiến đã làm giảm 15% doanh số bán hàng của ASML tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ASML vẫn tiếp tục nhận được nhu cầu mạnh mẽ ở Trung Quốc với các hệ thống sản xuất chip kém tiên tiến hơn. Khách hàng tại Trung Quốc chiếm 29% tổng doanh số bán hàng của ASML vào năm 2023, tăng từ 14% trong 2022.
Thay vì Trung Quốc, lý do đằng sau kế hoạch mở rộng của ASML có thể do lo ngại về chính sách nhập cư ở Hà Lan, theo các nhà phân tích.
René Raaijmakers, nhà văn công nghệ người Hà Lan và là tác giả cuốn sách ASML's Architects nói: “Tất cả những ồn ào về việc ASML có thể rời một phần khỏi Hà Lan nên được coi là hoạt động vận động hành lang của công ty nhằm duy trì dòng người nhập cư có tay nghề”.
Theo bản tin của hãng truyền thông De Telegraaf (Hà Lan), gần 40% trong số 23.000 nhân viên của ASML là người nước ngoài. ASML từng ngụ ý rằng môi trường Hà Lan đang trở nên không phù hợp. Hồi tháng 1, Peter Wennink (Giám đốc điều hành ASML) cảnh báo công ty đang phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài có tay nghề cao. Trong khi đó, đảng Tự do đã giành chiến thắng ở cuộc bầu cử năm 2023 một phần nhờ lập trường chống nhập cư khiến ASML gặp nhiều thách thức về nhân sự.
Vào tháng 2, tại một sự kiện ở thành phố The Hague, Peter Wennink cũng nói ông lo ngại môi trường kinh doanh ở Hà Lan "đang trở nên tồi tệ".
"Một số yếu tố đã giúp chúng tôi thành công ty vĩ đại. Nhưng giờ đây, chúng tôi lại chịu áp lực bởi chính các yếu tố đó", ông nói.
Theo De Telegraaf, chính phủ Hà Lan đang cố gắng thuyết phục ASML không mở rộng sang nước ngoài bằng cách giải quyết các mối lo ngại của mình, gồm cả việc cung cấp nguồn nhân công có kỹ năng.
Chính phủ Hà Lan đang đàm phán với ASML, trong đó yêu cầu công ty đảm bảo không chuyển sang quốc gia khác hoặc mở rộng ra nước ngoài do chính sách chống nhập cư.
Nguồn tin cho biết kế hoạch của ASML có tên Chiến dịch Beethoven, trong đó công ty lo ngại về môi trường kinh doanh ở Hà Lan, gồm vấn đề giảm thuế cho người nước ngoài và các quy định về di cư lao động. Do đó, ASML đang xem xét các lựa chọn để mở rộng ra nước ngoài để tăng năng lực sản xuất.
Chẳng hạn, ASML dự định mở rộng năng lực sản xuất lên 600 hệ thống DUV, 90 máy EUV (in thạch bản cực tím) Low-NA và 20 máy EUV High-NA mỗi năm vào 2025 và 2026. Nếu chỉ hoạt động ở Hà Lan, ASML lo ngại không thể đạt mục tiêu trên.
Giới chuyên gia nhận định tầm quan trọng của ASML đã vượt ra ngoài phạm vi kinh tế, vì họ gần như là công ty duy nhất sản xuất các hệ thống DUV và EUV tiên tiến. ASML được ví như "điểm nghẽn" trong ngành bán dẫn do không có đối thủ trên thị trường.
Kêu gọi Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật thắt chặt hạn chế chip với Trung Quốc, Mỹ bị 2 đồng minh phản đối
Trang Bloomberg đưa tin chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh yêu cầu đối với các đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản mở rộng hơn các hạn chế với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn.
Những nỗ lực mới nhất từ chính quyền Biden nhằm mục đích lấp đầy những lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ đã áp dụng hai năm qua và hạn chế sự tiến bộ của Trung Quốc về phát triển năng lực chip nội địa, theo hai nguồn tin của Bloomberg.
Ví dụ, Mỹ đang thúc giục Hà Lan ngăn chặn ASML bảo trì và sửa chữa các thiết bị sản xuất chip nhạy cảm mà khách hàng Trung Quốc đã mua trước khi việc hạn chế bán các thiết bị đó được áp dụng trong năm 2024.
ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử.
Mỹ cũng muốn các công ty Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các hóa chất chuyên dụng quan trọng cho sản xuất chip, gồm cả chất quang điện. Nhật Bản là quê hương của nhiều nhà sản xuất chất quang dẫn hàng đầu, trong đó có JSR và Shin-Etsu Chemical.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Nhật Bản và Hà Lan đã phản ứng "lạnh lùng" trước đề xuất mới nhất từ Mỹ, lập luận rằng họ muốn đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế hiện tại trước khi xem xét những biện pháp chặt chẽ hơn. Các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã nêu vấn đề này tại Tokyo (thủ đô Nhật Bản) trong cuộc họp về kiểm soát xuất khẩu vào tháng 2.
Chính quyền Biden đã nhắm vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc kể từ năm 2022, áp đặt các biện pháp kiểm soát sâu rộng với việc xuất khẩu máy sản xuất chip tiên tiến và chip phức tạp như loại dùng để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Nhật Bản và Hà Lan, hai quốc gia quan trọng phát triển thiết bị sản xuất chip, đã tham gia nỗ lực của Mỹ vào năm ngoái.
Song vẫn còn những lỗ hổng, đặc biệt là ở khả năng của các kỹ sư Nhật Bản và Hà Lan trong việc tiếp tục sửa chữa một số thiết bị và cung cấp linh kiện thay thế được sử dụng trong thiết bị sản xuất bán dẫn.
Động thái mới nhất của Mỹ gồm cả nỗ lực thắt chặt các giới hạn hiện có. Theo Bloomberg, ASML cần giấy phép để bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị bị hạn chế ở Trung Quốc, nhưng Hà Lan có phần lỏng lẻo trong việc phê duyệt. Vì thế, Mỹ muốn Hà Lan có cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn.
Mỹ cũng muốn lôi kéo thêm nhiều quốc gia vào vòng phong tỏa kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc. Chính quyền Biden đang cố gắng đưa Đức và Hàn Quốc vào thỏa thuận đã có Nhật Bản và Hà Lan, vì cả 4 quốc gia này đều là nơi đặt trụ sở của các công ty chủ chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Với Đức, một trong những công ty quan trọng là Carl Zeiss, nhà sản xuất kính chuyên dụng cung cấp cho ASML các thành phần quang học cần thiết để sản xuất chip tiên tiến. Mỹ muốn Đức yêu cầu Carl Zeiss ngừng vận chuyển những linh kiện như vậy sang Trung Quốc.
Giới chức Hà Lan cũng hy vọng Đức sẽ tham gia nhóm kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc và chính quyền Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6.
Vào năm ngoái, Đức đã cân nhắc xem có nên hạn chế xuất khẩu hóa chất chip sang Trung Quốc hay không, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz (dự kiến đến thăm Trung Quốc vào tháng 4) vẫn chưa đưa ra lập trường về vấn đề này.
Ngoài ra, Mỹ đã tiến hành đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề kiểm soát xuất khẩu chip, do nước này đóng vai trò dẫn đầu trong sản xuất chip nhớ và cung cấp phụ tùng cho thiết bị sản xuất chip.
Hai nước này đã tiến hành một cuộc đối thoại có cấu trúc vào tháng 2 sau khi các quan chức Mỹ đề nghị những người đồng cấp của họ ở Hàn Quốc tham gia nhóm đa phương vào năm ngoái.