Iran hối thúc Mỹ hành động cho thỏa thuận hạt nhân
Bộ Ngoại giao Iran hối thúc Mỹ đưa ra quyết định chính trị nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân, đồng thời chỉ trích Washington chịu trách nhiệm chính trong việc đàm phán bị ngưng trệ. Ở chiều ngược lại, Mỹ tỏ ra lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận trong vấn đề hạt nhân của Iran.
Chưa thể sớm khôi phục thỏa thuận
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Saeed Khatibzadeh nêu rõ, Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc tạm dừng các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Ông Khatibzadeh nhấn mạnh, Washington cần đưa ra quyết định chính trị để hồi sinh thỏa thuận, đồng thời khẳng định Tehran sẽ “không chờ đợi mãi”, trong bối cảnh các cuộc đàm phán trước đó tại Vienna (Áo) được đánh giá đạt nhiều tiến triển.
Dù đã thể hiện quyết tâm đạt được thỏa thuận, nhưng Iran và Mỹ vẫn còn nhiều khác biệt trong đàm phán, dù Washington hiện chỉ tham gia đàm phán với tư cách gián tiếp. Trong số các bất đồng, có việc Iran yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC)-lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ Hồi giáo trước các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài, ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố của Washington. Tuy nhiên, Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này. Ngoài ra, mức độ dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran cũng là vấn đề mà các bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Tehran cũng tìm kiếm một sự bảo đảm từ phía Washington, rằng các nhà lãnh đạo Mỹ trong tương lai sẽ không rút khỏi JCPOA. Bởi, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran, khiến Tehran đáp lại bằng việc từ bỏ một số cam kết trong JCPOA. Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán để khôi phục thỏa thuận. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian Liên minh châu Âu (EU).
Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc việc Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran là vi phạm nghị quyết của LHQ, có thể khiến các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt nhằm vào ông Mohammad Ali Hosseini và mạng lưới công ty thu mua vật liệu của ông này vì hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào công ty Parchin Chemical Industries của Iran. Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định các biện pháp trừng phạt bổ sung nêu trên không ảnh hưởng tiến trình đàm phán hạt nhân.
“Quả bóng” hiện ở phía Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian thông báo, Tehran và các cường quốc đã gần tiến tới một thỏa thuận trong cuộc đàm phán. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Abdollahian nhấn mạnh: “Chúng tôi tiến gần tới thỏa thuận và đã chuyển đề xuất của mình về các vấn đề còn tồn tại cho phía Mỹ thông qua nhà đàm phán cấp cao của EU. Quả bóng hiện ở phía Mỹ”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Abdollahian khẳng định, lợi ích kinh tế và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt là ưu tiên hàng đầu của Tehran trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Theo nhà ngoại giao Iran, Mỹ cần có cách tiếp cận thực tế để tạo điều kiện giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Việc Mỹ không có một quyết định mang tính chính trị để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang cản trở các bên tham gia đàm phán đi đến một thỏa thuận chung.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định, Tehran không rút khỏi bàn đàm phán ở Vienna và vẫn tham gia một cách nghiêm túc và quyết tâm. Tuy nhiên, Tổng thống Raisi một lần nữa nhấn mạnh: “Iran luôn bảo vệ cuộc sống của người dân và nền kinh tế đất nước trong tiến trình đàm phán. Chúng tôi mong muốn đối thoại thẳng thắn và công bằng”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, các bên đang ở rất gần một thỏa thuận mang tính khả thi, nhưng cảnh báo điều này “sẽ không đến sớm và không thật sự chắc chắn”, đồng thời nhấn mạnh Washington đã sẵn sàng chuyển sang “Kế hoạch B” nếu Tehran không tỏ rõ thiện chí đàm phán và rút bớt các điều kiện tiên quyết.
Giới phân tích cho rằng, Iran và phương Tây đều đã thể hiện nỗ lực và thiện chí, nhưng cách tiếp cận còn khác biệt và một số điều kiện, yêu sách khó dung hòa, khiến vạch đích của đàm phán dù ngay trước mắt cũng khó nắm bắt.