IMF bi quan về tăng trưởng kinh tế của Mỹ
Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump và những biện pháp đối phó từ các đối tác thương mại của Mỹ có thể giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế.
Truyền thông Mỹ cho rằng, Tổng thống Donald Trump dường như đang quay trở lại một số lập trường cực đoan về nền kinh tế và một lần nữa xoay quanh chương trình nghị sự thuế quan của mình. Điều này khiến mọi người lo ngại cách tiếp cận "bừa bãi" của ông Trump gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế.

Chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nước Mỹ đảo lộn. (Ảnh: EPA)
Lạm phát Mỹ tăng cao?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố bản cập nhật Báo cáo Triển vọng Kinh tế. Đáng chú ý, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ 3,3% xuống 2,8% - thấp nhất kể từ đầu đại dịch.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị hạ dự báo tăng trưởng vào năm nay. Trong đó, GDP Mỹ dự báo chỉ tăng 1,8% thấp hơn so với 2,8% năm ngoái. Lạm phát nước này cũng được điều chỉnh tăng đáng kể do chi phí hàng nhập khẩu leo thang.
Cả hai dự đoán đều bi quan hơn so với dự báo IMF công bố trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế quan đối ứng, khiến thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ lên mức cao nhất trong vòng một thế kỷ qua.
IMF thông tin: "Sự leo thang nhanh chóng trong cuộc chiến thương mại và mức độ tác động không chắc chắn đối với chính sách sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế toàn cầu. Những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu chắc chắn nghiêng về phía giảm".
Nhà kinh tế trưởng của IMF ierre-Olivier Gourinchas lưu ý thêm sự không chắc chắn về chính sách thương mại làm giảm nhu cầu mua sắm ở Mỹ ngay cả trước khi xuất hiện thông báo thuế quan gần đây.
Bắc Mỹ cũng giống như tất cả khu vực khác khi không thể mong đợi bất kỳ sự tăng giá nào từ thuế quan trong tương lai. Ông Gourinchas nhấn mạnh: "Đối với tác động lâu dài của thuế quan, nếu chúng được duy trì sẽ gây nên tiêu cực đối với tất cả khu vực, giống như tác động ngắn hạn".
Ông Gourinchas cho rằng "sự độc lập của ngân hàng trung ương vẫn là một nền tảng". Bình luận này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell là "kẻ thua cuộc" nhằm gây áp lực, buộc Fed cắt giảm lãi suất.
Theo nhiều nhà dự báo, việc giảm chi phí vay vào thời điểm này có nguy cơ đẩy lạm phát của Mỹ tăng cao, với chỉ số giá tiêu dùng dự kiến tăng 3% trong năm nay, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo trước.
Đại diện IMF thông tin: "Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được tổng hợp trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, việc ông Trump công bố mức thuế sâu rộng vào ngày 2/4 buộc chúng tôi phải từ bỏ dự báo trước đó".
Tương tự, ông Gourinchas nói với phóng viên: "Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới khi hệ thống kinh tế toàn cầu hoạt động trong 80 năm qua đang được thiết lập lại".

Dấu hiệu lạm phát dần xuất hiện tại Mỹ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại đối với triển vọng kinh tế, IMF cho biết trong báo cáo của mình rằng sự gia tăng căng thẳng thương mại cùng nhiều câu hỏi về chính sách thương mại đang hướng tới việc có thể làm giảm tăng trưởng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng có quan điểm tương tự về thương mại: "Thương mại tự do luôn thúc đẩy tăng trưởng tổng thể, đóng góp nghiêm túc cho sự phát triển của tất cả nền kinh tế".
Bà Lagarde tiết lộ thêm mức thuế cao hơn sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của châu Âu, dù bà không mong đợi cuộc suy thoái ở 20 quốc gia sử dụng đồng euro.
Sự hỗn loạn đối với nền kinh tế
Ông Trump đã làm dịu hai vấn đề chính khiến Phố Wall gặp ác mộng là báo hiệu sự cởi mở trong việc nới lỏng thuế quan đối với Trung Quốc và thông báo "không có ý định" sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell. Nhưng sự thay đổi đột ngột này cũng chính là lời nhắc nhở về sự hỗn loạn phát ra từ Nhà Trắng, đẩy Mỹ và nhiều nền kinh tế khác vào suy thoái.
Hiện tại, chứng khoán Mỹ đã quay đầu tăng mạnh - dấu hiệu cho thấy ông Trump dường như đang chú ý đến cảnh báo từ các CEO và cố vấn thân cận, những người cho rằng mức thuế 145% áp lên Trung Quốc là không bền vững.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đến nay, chứng khoán Mỹ giảm 11% do bị ảnh hưởng bởi những thay đổi gần như liên tục và thông điệp lẫn lộn từ Nhà Trắng về chương trình nghị sự thuế quan.
Theo dữ liệu của FactSet, bất chấp sự phục hồi gần đây, hơn 7 nghìn tỷ USD vẫn bị xóa khỏi chỉ số S&P 500 kể từ khi mức cao kỷ lục được thiết lập vào 2 tháng trước.
Giáo sư chính sách công và kinh tế tại Đại học Michigan Justin Wolfers nói: "Thị trường đang sợ hãi về những điều ngu ngốc mà ông Trump sẽ làm và nếu ông ấy không thực hiện những điều đó thì họ sẽ rất vui mừng".
Nhưng ông Wolfers và nhiều nhà kinh tế khác bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng mà nền đã phải gánh chịu. Ông Wolfers nhấn mạnh: "Rõ ràng là nền kinh tế sẽ chậm lại".

Nền kinh tế đang bị đảo lộn. (Ảnh: Bloomberg)
Các nhà dự báo cũng lưu ý nguy cơ suy thoái gia tăng trong năm nay có thể tăng cao tới 50% - 70%. Hầu như tất cả đều cho rằng tỷ lệ đó đang thay đổi do chương trình nghị sự thuế quan luôn thay đổi của ông Trump.
Giáo sư Kent Smetters tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cho hay ngay cả khi thuế quan của ông Trump được tháo gỡ thì GDP Mỹ vẫn sẽ mất ít nhất 1% GDP, do không chắc chắn về chính sách.
Ông Smetters nói: "Chúng tôi dự đoán GDP cuối cùng sẽ giảm 5% nếu tất cả mức thuế thực hiện".
Thuế quan của Mỹ áp lên Trung Quốc có thể giảm, nhưng "chúng sẽ không bằng không". Còn lại là mức thuế quan phổ quát 10% và thuế quan đối với ô tô, thép, nhôm và một số sản phẩm của Mexico cùng Canada là 25%.
Theo quan chức cấp cao của Nhà Trắng, mức thuế 145% hiện tại đối với Trung Quốc có thể giảm xuống còn "khoảng từ 50% đến 65%". Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra rối loạn rất lớn.
Nhà kinh tế tại công ty tư vấn EY-Parthenon, ông Gregory Daco cũng cảnh báo chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin và sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục lại.
Ông Gregory Daco cho hay: "Mọi người đang nín thở vì họ không biết chính sách nào sẽ là luật của đất nước vào ngày mai".
Sự lo lắng đó thể hiện rõ ràng trong báo cáo "sổ màu be" của Fed công bố hôm 23/4. Trong các ngành công nghiệp, nhiều công ty cho biết họ đang tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tuyển dụng trong khi chờ đợi sự rõ ràng về chính sách.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/imf-bi-quan-ve-tang-truong-kinh-te-cua-my-ar939563.html