Huyện Long Phú phát huy thế mạnh nông nghiệp

Long Phú (Sóc Trăng) là huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Long Phú, ngành Nông nghiệp huyện bắt đầu 'chuyển mình', sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển cả về năng suất lẫn chất lượng; song hành là diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Xác định cây chủ lực trong nông nghiệp vẫn là cây lúa, địa phương khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản để canh tác, sản xuất. Theo thống kê, năm 2022, toàn huyện ước gieo trồng 34.022,47ha, đạt 106,32% kế hoạch, ước diện tích thu hoạch 34.022,47ha, năng suất bình quân ước đạt 5,95 tấn/ha, tăng 0,27 tấn/ha so cùng kỳ. Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển. Đến nay, toàn huyện có 5 xã tiếp tục triển khai mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích là 1.388,99ha/1.246 hộ tham gia, trong đó, có 2 cánh đồng lớn, như: tại xã Trường Khánh 630ha/576 hộ, tại xã Long Đức 609ha/538 hộ.

Mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, chọn giống chất lượng, xuống giống đồng loạt, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận hơn so với sản xuất nhỏ lẻ. Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, một số dự án được triển khai, như: dự án phát triển lúa đặc sản; dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản theo chuỗi giá trị; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, dự án phát triển cây ăn trái theo chuỗi giá trị; dự án phát triển chăn nuôi bò thịt… Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện Long Phú đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện: vụ Hè - Thu 2022, tổng diện tích thực hiện 1.048ha/505 hộ, trong đó, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 934ha/431hộ và đạt tiêu chuẩn VietGAP 114ha/74 hộ, giống gieo sạ gồm OM18 là 788ha và Đài thơm 8 là 200ha, ST 25 là 60ha; vụ Đông - Xuân 2022 - 2023, tiếp tục triển khai với diện tích 1.160ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 741,9ha sử dụng giống ST25, 418,1ha sử dụng giống Đài thơm 8 để sản xuất… Mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển. Đến nay, toàn huyện có 24 hợp tác xã nông nghiệp với 1.373 thành viên, tổng diện tích 2.467,44ha, vốn điều lệ trên 6,9 tỷ đồng (trong đó, có 13 hợp tác xã trồng lúa, 6 hợp tác xã trồng cây ăn trái, 4 hợp tác xã chăn nuôi, 1 hợp tác xã thủy sản). Đầu năm 2022 đến nay, huyện Long Phú còn thành lập mới 4 tổ hợp tác, lũy kế huyện có 52 tổ hợp tác với 1.075 thành viên, diện tích đất canh tác 1.573,2ha.

Huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã triển khai xây dựng nhiều cánh đồng mẫu. Ảnh: KIM NGỌC

Ngành Nông nghiệp huyện Long Phú còn phối hợp giới thiệu Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long liên kết tiêu thụ lúa ST25 vụ Đông - Xuân 2022 - 2023, với diện tích 500ha cho 2 hợp tác xã nông nghiệp ở xã Tân Hưng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao là bưởi da xanh Trường Phát, còn lại 14 sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, trong tháng 9, huyện Long Phú đánh giá 4 sản phẩm, kết quả đạt 4 sao và gửi hồ sơ về tỉnh đánh giá, gồm: tái công nhận 1 sản phẩm mật sáp, xã Trường Khánh và 3 sản phẩm mới là mật ong hoa nhãn, mật ong honey bear, xã Trường Khánh và rượu đông trùng hạ thảo, xã Song Phụng.

Bên cạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Long Phú cũng đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án như: Khu đô thị mới Long Phú, Khu đô thị mới Đại Ngãi, Cụm Công nghiệp Long Đức 1 và Long Đức 2 và triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn (Dự án Đường từ ngã ba Chín Đô đến Quốc lộ Nam Sông Hậu, Dự án Đường nối Quốc lộ 60 đến Quốc lộ Nam Sông Hậu…). Huyện đã tích cực phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh đề xuất với Trung ương xây dựng Khu Công nghiệp Đại Ngãi, cầu Đại Ngãi… Đặc biệt, huyện triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với định hướng, lợi thế của địa phương gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư…

Tiếp tục giữ vững các tiêu chí nông thôn mới

Về thăm những vùng quê huyện Long Phú hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét về mọi mặt. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân có nhiều cải thiện. Đây là thành quả sau nhiều năm không ngừng phấn đấu thực hiện linh hoạt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 5/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là giao thông, thủy lợi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Phấn khởi trước sự đổi thay từng ngày của xã nhà, ông Lý Vân, ngụ ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng, huyện Long Phú bộc bạch: “Trước đây, khi xã chưa triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn chưa phát triển, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn; các tuyến kênh thủy lợi nội đồng ít được đầu tư nạo vét, mở rộng nên bà con gặp khó trong dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng; điện sử dụng phải câu đuôi, chưa có nước sạch sử dụng… Sau khi xã xây dựng nông thôn mới thì hệ thống điện được đầu tư xây dựng, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa nối liền các ấp, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đời sống người dân ngày càng ấm no, phát triển…”.

Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, để giữ vững và phát huy những thành quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, có lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn để xây dựng thương hiệu gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ giúp tiết kiệm chi phí, áp dụng quy trình sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường. Cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp điều kiện canh tác, thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa, mía kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao ấp, liên ấp nhằm tạo sự thay đổi đột phá diện mạo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức thụ hưởng trực tiếp cho người dân địa bàn nông thôn.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-long-phu/huyen-long-phu-phat-huy-the-manh-nong-nghiep-61514.html