Huyện Bàu Bàng: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, huyện Bàu Bàng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Qua đó, công tác này đã góp phần giúp người dân cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy để áp dụng vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Nỗ lực mở các lớp đào tạo nghề

Là một trong những địa bàn có tiềm năng phát triển công nghiệp của tỉnh nên nhu cầu lao động cần được đào tạo nghề luôn đặt ra những đòi hỏi bức thiết và cũng là một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bàu Bàng. Vì vậy, huyện Bàu Bàng luôn xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhìn chung, các ngành nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động tại địa phương. Số lượng lao động qua đào tạo nghề tăng dần, phần lớn lao động sau khi đào tạo nghề đều tự tìm việc làm và đã biết phát huy, vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của gia đình. Các lớp đào tạo nghề đã kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành tại chỗ, bảo đảm cho học viên thành thạo các kỹ năng, qua đó thu hút các học viên tham gia. Sau khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề để có điều kiện tìm kiếm việc làm và có mức lương ổn định hơn khi có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật.

Nhiều LĐNT biết phát huy, vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Trong ảnh: Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Vũ Thế Hùng ở thị trấn Lai Uyên mang lại hiệu quả cao

Là một trong những học viên đang tham gia lớp học đào tạo lái xe nâng hàng, anh Vũ Ngọc Bảo ở ấp 1, xã Tân Hưng, chia sẻ: “Khi biết được địa phương sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề, tôi đã quyết định đăng ký vào lớp lái xe nâng hàng. Tham gia khóa học 3 tháng, tôi được dạy cả phần lý thuyết và thực hành với những kiến thức cơ bản về cấu tạo và bảo dưỡng xe nâng hàng, ký hiệu hàng hóa và an toàn lao động, kỹ thuật vận hành xe nâng hàng… Hy vọng sau khi kết thúc khóa học, tôi sẽ xin được việc tại các công ty trên địa bàn huyện để có thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh mở các lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng, huyện Bàu Bàng còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày cho người dân trên địa bàn huyện để họ có thể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất của gia đình. Điển hình như hộ anh Vũ Thế Hùng ở khu phố Cây Sắn, thị trấn Lai Uyên thành công với mô hình kinh tế tổng hợp. “Thời gian qua, tôi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn và tham quan thực tế các mô hình tương tự thành công ở các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ đó mà tôi có thêm kinh nghiệm trong quá trình làm trang trại của mình. Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn, cuộc sống nhờ vậy cũng đỡ vất vả hơn”, anh Hùng chia sẻ.

Đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm

Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại huyện Bàu Bàng tiếp tục được quan tâm và có nhiều đổi mới, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang hướng gắn với nguyện vọng của người học. Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến việc giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề.

Ông Tô Tiến Quân, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, hàng năm đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu học nghề của người dân để tổ chức các lớp học.

Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2022-2025, huyện Bàu Bàng sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 1.220 LĐNT (nhóm nghề phi nông nghiệp là 1.140 người và nhóm nghề nông nghiệp là 80 người). Riêng năm 2023, huyện sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 350 LĐNT (nhóm nghề phi nông nghiệp là 330 người và nhóm nghề nông nghiệp là 20 người). Huyện tập trung đào tạo một số ngành nghề phù hợp với người lao động, các ngành nghề phục vụ cho doanh nghiệp, trang trại và các công trình dân dụng, như: May gia dụng, nấu ăn đãi tiệc, lái xe nâng, trang điểm, điện lạnh, điện công nghiệp - điện dân dụng… Tùy vào từng nhóm đối tượng, học viên sẽ được hưởng những chính sách hỗ trợ khác nhau như: Chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại…

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và LĐNT về vai trò của đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề. Huyện tiếp tục đổi mới cách thức, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT; từng bước hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề đủ về số lượng, có chất lượng phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động”, ông Tô Tiến Quân cho biết thêm.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng đã phối hợp UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, tổ chức chiêu sinh các lớp đào tạo nghề. Huyện đã chiêu sinh được 18 lớp với 400 học viên, vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao. Cụ thể, huyện mở được 10 lớp lái xe nâng hàng, 2 lớp nấu ăn đãi tiệc, 2 lớp trang điểm, 1 lớp điện lạnh và 3 lớp pha chế. Hiện tại, huyện đã tổ chức khai giảng 10 lớp lái xe nâng hàng, 2 lớp nấu ăn đãi tiệc. Các lớp còn lại chưa khai giảng do các trường chưa nhận đặt hàng đào tạo.

HỒNG PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/huyen-bau-bang-chu-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-a307547.html