Huy động các nguồn lực phát triển giao thông nông thôn
Trong những năm qua, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, các tỉnh miền núi phía bắc có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Hạ tầng giao thông tốt đã tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, thông thương hàng hóa. Từ đó, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Trong những năm qua, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, các tỉnh miền núi phía bắc có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Hạ tầng giao thông tốt đã tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, thông thương hàng hóa. Từ đó, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Bài 1: Những con đường từ sức dân
Làm tốt công tác dân vận để người dân hiểu, tự nguyện đóng góp làm đường; phát động phong trào cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên tham gia lao động công ích, làm đường tại các địa bàn đặc biệt khó khăn… Đó là những giải pháp mà cấp ủy, chính quyền các tỉnh miền núi phía bắc đã triển khai, nhằm khơi dậy nguồn lực to lớn từ cộng đồng trong đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn.
Khơi dậy nguồn lực to lớn từ cộng đồng
Thực hiện Quyết định số 800/QÐ-TTg, ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, các tỉnh miền núi phía bắc (MNPB) xác định, xây dựng và phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo để huy động nguồn lực đầu tư, tạo đột phá trong lĩnh vực này. Với quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các tỉnh đã bố trí nguồn lực ngân sách cho các dự án có chi phí đầu tư lớn như tuyến đường huyện; những tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện, đường trục thôn, liên thôn, bản, ngõ, xóm… được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại được nhân dân đóng góp bằng tiền, vật tư, hiến đất mở đường, ngày công lao động... Nhờ đó, đã tạo nhiều kết quả lớn trong làm đường GTNT ở địa bàn khó khăn nhất cả nước.
Chỉ sau mấy năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt của xã vùng cao Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) - huyện nghèo được hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ, cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100 km, đã thay đổi rõ rệt. Tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn đã được đổ bê-tông, mặt đường rộng từ 3 đến 4 m, xe tải nhỏ đi lại dễ dàng, không còn là đường đất, hay mặt đường bị bong tróc, lồi lõm, đi lại trơn trượt vào mùa mưa như trước. Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, Hảng Seo Toán hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những cá nhân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất ở, đất vườn để mở đường, như ông Sùng Seo Seng, ở thôn Lênh Sui Thàng, hiến hơn 5.000 m2, ông Vàng Seo Din, ở thôn Lùng Sán, hiến 8.000 m2… Sau khi làm tuyến đường liên thôn, người dân Lùng Sui giúp nhau làm tiếp đường bê-tông từ thôn vào đến sân từng gia đình. Từ điểm sáng Lùng Sui, huyện Si Ma Cai nhân rộng phong trào Nhà nước cùng nhân dân phối hợp làm đường, được nhân dân 10 xã, thị trấn hưởng ứng. Ðồng chí Lưu Ðình Hạnh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Si Ma Cai chia sẻ: Khi bắt đầu triển khai công việc, huyện chỉ đạo địa phương đổi mới phương thức tuyên truyền, tổ chức họp thôn, bản, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Thấy việc làm đường mang lại lợi ích rất lớn cho gia đình và cộng đồng, riêng năm 2019, nhân dân của huyện đã tự nguyện hiến 117 nghìn mét vuông đất sản xuất, đất ở, 525 triệu đồng và hơn 1.400 ngày công để làm đường. Nhờ vậy, 5 năm qua, huyện đã mở mới và nâng cấp 446 km đường giao thông liên thôn, đường nội đồng, ngõ, xóm; tất cả các thôn, bản đều có đường bê-tông đến trung tâm thôn; 80% số thôn, bản cứng hóa đường giao thông nội đồng, ngõ, xóm; 8 trên tổng số 10 xã và thị trấn của huyện đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM.
Từ năm 2017 đến 2020, tỉnh Hà Giang triển khai đề án "Một triệu tấn xi-măng" để đầu tư hạ tầng GTNT và xây dựng NTM. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Mục tiêu của Hà Giang là đến cuối năm 2020 có hơn 40 xã đạt chuẩn NTM, các xã đạt bình quân 13 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới năm tiêu chí. Tuy nhiên, các xã đều gặp khó khăn khi thực hiện tiêu chí về hạ tầng GTNT và hệ thống kênh, mương nội đồng. Do đó, tỉnh triển khai đề án hỗ trợ một triệu tấn xi-măng để đầu tư cho hai hạng mục này. Phương thức thực hiện là Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua xi-măng và một phần vật liệu, nhân dân hiến đất, đóng góp vật liệu và ngày công lao động". Ðể có kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng thực hiện đề án, tỉnh lồng ghép nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó 50% kinh phí từ ngân sách địa phương; 50% từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM. Có mặt tại "công trường" làm đường bê-tông vào thôn Phìn Sả, xã Sính Lủng, huyện Ðồng Văn vào một ngày hè nắng như đổ lửa, chúng tôi chứng kiến không khí làm đường rất khẩn trương. Anh Lầu Súa Già, Tổ trưởng tổ thi công đang chỉ huy 15 người địa phương làm đường cho biết: "Tỉnh hỗ trợ xi-măng để làm 1,3 km đường, nhưng các hộ trong thôn tự nguyện góp thêm tiền để làm tuyến đường dài 1,7 km đến trung tâm các xóm. Sau khi nhận xi-măng, được bàn giao nền đường, chúng tôi thi công liên tục để đường hoàn thành đúng tiến độ". Ðến cuối năm 2019, đề án đã cấp gần 600 tỷ đồng cho các huyện, thành phố làm đường GTNT và kênh, mương nội đồng, trong đó, các xã đã hoàn thành 1.089 km đường bê-tông.
Các huyện miền núi, biên giới của các tỉnh: Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La chủ động bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông trên quan điểm ưu tiên vùng khó, vùng trọng điểm biên giới và giao thông đi trước tạo đà cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) Vương Thế Mẫn cho biết, huyện có gần 600 km đường GTNT, nếu trông chờ vào ngân sách nhà nước đầu tư thì rất lâu nữa người dân mới được đi lại thuận lợi. Trong những năm qua, người dân trong huyện đã góp hơn 100 ha đất, hơn 230 nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng cùng Nhà nước hoàn thiện hệ thống giao thông thôn, bản. Ðến nay, hơn 60% số đường liên bản, đường nội bản, đường ra khu sản xuất được cứng hóa; tất cả các xã đều có đường ô-tô đến trung tâm. Nhiều xã như Hoang Thèn, Ma Ly Pho, Khổng Lào… đã có đường bê-tông từ xã đến các bản. Các tuyến đường nhánh nối với đường tuần tra biên giới và hàng chục tuyến đường xuyên qua các khu sản xuất được mở mới và bê-tông hóa. Huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) trong giai đoạn 2015-2020 bình quân mỗi năm mở mới hơn 27 km (vượt 10 km so với chỉ tiêu Nghị quyết Ðảng bộ huyện). Năm 2002 - năm thành lập huyện, đường giao thông ở Mường Nhé chủ yếu là đường mòn, chỉ có thể đi lại vào mùa khô, thì đến nay, huyện có hơn 700 km đường giao thông, trong đó có 235 km đường liên xã và hơn 300 km đường giao thông liên thôn, bản... Ðồng chí Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Mỗi năm, nhân dân đã đóng góp hơn 4.000 ngày công, nâng cấp hàng chục ki-lô-mét đường giao thông; mở mới hơn 12 km đường dân sinh; làm mới, sửa chữa 13 cầu, cống, nhờ đó không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mà còn bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biên viễn.
Giai đoạn 2014 - 2018 là giai đoạn khó khăn đối với công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường GTNT, do các địa phương đều bị cắt giảm đầu tư công. Tuy nhiên, nhờ tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tỉnh Bắc Kạn đã mở mới 164 km đường với tổng kinh phí hơn 293 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp 389 km đường với tổng kinh phí hơn 403 tỷ đồng. Có được kết quả đó là nhờ phong trào "Dân vận khéo" ở các địa phương. Ðiển hình là xã Kim Lư (huyện Na Rì), nhờ Ðảng bộ xã và các chi bộ làm tốt công tác dân vận, người dân đã tự nguyện đóng góp 70% kinh phí làm đường, còn Nhà nước chỉ hỗ trợ 30%. Sau hơn sáu năm triển khai, xã Kim Lư có hơn 90 hộ dân hiến gần 5.000 m2 đất, trị giá hơn 200 triệu đồng để làm đường.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ÐBKK), việc huy động nguồn lực từ người dân còn hạn chế, các tỉnh MNPB có sáng kiến khơi dậy nguồn lực to lớn từ cộng đồng để đầu tư hệ thống GTNT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chúng tôi đến thôn Khun Khuông, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) vào một ngày tháng 7. Trung tá Ðào Duy Hà, Phó Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 (Quân khu I) cho biết: Cách đây vài năm, Khun Khuông là thôn ÐBKK, số hộ nghèo chiếm 27%. Con đường chính của thôn là đường đất, nhiều đoạn dốc cao, vực sâu. Năm 2017, Trung đoàn đã cử 150 cán bộ, chiến sĩ cùng người dân trong thôn làm được 2,8 km đường bê-tông rộng 3,5 m; dày 16 cm, xây mới một lớp học ba gian rộng 200 m2. Ông Lý Văn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Khun Khuông cho biết: Nhờ bộ đội Cụ Hồ giúp dân mở đường, giao thông thuận lợi, các hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng, mua sắm máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống thay đổi tích cực, không còn tình trạng học sinh bỏ học như trước. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn 6%.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương còn huy động các cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên tham gia lao động công ích, góp sức mở đường GTNT tại các địa bàn ÐBKK. Ðầu năm 2019, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) phát động phong trào "Ngày thứ bảy cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM". Cứ vào ngày cuối tuần, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, lực lượng vũ trang của huyện lại vượt hơn 60 km đường núi vào xã biên giới Sơn Vĩ để đào, đắp tuyến đường về thôn Trù Sán - thôn ÐBKK, nằm cách trung tâm xã hơn 12 km. Sau 5 tháng ròng rã thi công với gần 3.000 công lao động của cán bộ, đoàn viên, đến cuối năm 2019, tuyến đường dài gần 4 km, rộng hơn 1 m vào thôn đã hoàn thành. Bên cạnh đó, huyện còn vận động các tổ chức từ thiện của TP Hà Nội hỗ trợ gần một tỷ đồng để đổ bê-tông toàn tuyến. Ngày khánh thành con đường, nhìn những chiếc xe máy đi vào thôn, ông Lầu Nỏ Lúa, 63 tuổi xúc động cho biết: "Con đường là công sức lao động của biết bao cán bộ và người dân. Giao thông đi lại thuận tiện giúp người dân trong thôn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo".
Mới đây, tháng 5-2020, tại xã An Lương (huyện Văn Chấn), Tỉnh đoàn Yên Bái đã phát động "Tháng Thanh niên" với hơn 500 đoàn viên tham gia làm tuyến đường từ trung tâm xã đi bản Suối Dầm, nơi có 76 hộ đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống trên đỉnh núi cao. Tỉnh đoàn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 20 tấn xi-măng, người dân trong bản đóng góp cát, sỏi được khai thác tại chỗ, các đoàn viên góp hơn 1.000 công lao động san tạo mặt bằng, trộn đổ bê-tông, đắp lề đường… Sau hai ngày thi công, tuyến đường dài 2 km lên bản hoàn thành trong niềm vui của dân bản.
Một số tỉnh phân công các sở, ngành giúp đỡ các xã ÐBKK xây dựng NTM. Từ năm 2017 đến 2018, 68 đơn vị của tỉnh Bắc Kạn giúp đỡ 59 xã xây dựng các thiết chế văn hóa, làm hơn 6 km đường GTNT. Tỉnh Yên Bái phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách các xã ÐBKK, hằng quý có báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về các hoạt động của xã. Trong đó, đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ðỗ Văn Dự được giao phụ trách xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) và xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu). Ngoài việc vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ngành ủng hộ hai ngày lương, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đã kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm, giúp các xã ÐBKK hoàn thiện các tuyến đường về bản.
Bố trí các lực lượng duy tu, bảo dưỡng
Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền của, công sức làm đường, các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương tham gia giám sát, tổ chức thi công các công trình. Tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSÐTCÐ) các xã, thị trấn đã tham gia giám sát chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Thí dụ, khi thi công con đường vào thôn Hua Phai, Bản Phố (xã Cao Kỳ), ban GSÐTCÐ xã phát hiện đơn vị cung ứng vật tư sử dụng mác xi-măng không đúng với hồ sơ thiết kế, tỷ lệ pha trộn bê-tông không đủ lượng xi-măng so với hồ sơ thẩm định dự toán. Tại công trình đường lên hội trường thôn Bản Nưa, ban GSÐTCÐ xã Như Cố phát hiện độ dày mặt bê-tông có đoạn không đúng với thiết kế... Các ý kiến của ban GSÐTCÐ các xã, thị trấn cơ bản đều được tiếp thu và khắc phục kịp thời, bảo đảm chất lượng công trình.
Một số tuyến đường trục thôn, liên thôn sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng được chính quyền bàn giao cho các lực lượng của thôn, xã quản lý, vận hành. Tháng 6-2014, khi tuyến đường thôn Pồ Chồ, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát (Lào Cai) được hoàn thành, Chi đoàn thôn đảm nhận việc phát quang, quét dọn, khơi thông rãnh thoát nước, đắp lề, bảo dưỡng đoạn đường dài 1 km. Chi đoàn có 17 đoàn viên, trong đó có một số người đi làm ăn xa. Khi đến lịch duy tu, bảo dưỡng đoạn đường, Bí thư Chi đoàn thôn đều thông tin để đoàn viên, thanh niên trở về thực hiện, trường hợp không về được thì bố trí người thân trong gia đình tham gia. Mỗi quý, UBND xã nghiệm thu tuyến đường một lần. Theo Tỉnh đoàn Lào Cai, hiện lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đang tự quản 178 tuyến đường, dài 324 km. Tại tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2019, các cấp Hội Phụ nữ vận động 38.500 chị em quét dọn đường làng, ngõ xóm; làm 32 đoạn đường hoa. Tỉnh đoàn Bắc Kạn triển khai chương trình "Thắp sáng đường quê", lắp đặt bóng điện chiếu sáng trên 12 tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài 55 km, trị giá gần hai tỷ đồng, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số tại 50 thôn, bản, với gần 3.500 hộ trực tiếp hưởng lợi. Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai xây dựng mô hình "Phụ nữ tham gia bảo dưỡng đường GTNT". Ðến nay đã có 48 tổ phụ nữ tự quản tại 48 xã, thuộc chín huyện, thành phố, gồm 2.352 thành viên nhận quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 145,8 km đường thuộc 52 thôn, bản. Mỗi tháng, tổ phụ nữ tự quản tổ chức bảo dưỡng đường một lần, không kể bảo dưỡng khắc phục khẩn cấp, nhờ vậy các tuyến đường GTNT luôn bảo đảm đi lại thuận tiện bốn mùa.
(Còn nữa)