Hứa hẹn một hành trình đột phá

Theo Reuters, sau khi nhận được đa số phiếu ủng hộ của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chính thức trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và tân Thủ tướng Anh. Ông Rishi Sunak sẽ thay thế người tiền nhiệm Liz Truss để chèo lái đất nước, với nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng như đoàn kết đảng và cống hiến cho đất nước.

Vị Thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Anh

Nước Anh lại một lần nữa có tân Thủ tướng, ông Rishi Runak sẽ kế nhiệm bà Liz Truss trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong chưa đầy hai tháng và là thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Anh. Ông Rishi Sunak sinh năm 1980 tại Southampton, Anh, vì vậy ông là tân Thủ tướng trẻ nhất của Anh trong vòng 200 năm qua. Một số người Ấn Độ bày tỏ rằng, việc ông Rishi Sunak trở thành thủ tướng Anh càng có ý nghĩa hơn khi Ấn Độ vừa kỷ niệm 75 năm độc lập sau giai đoạn là thuộc địa của Anh, đồng thời hy vọng rằng quan hệ Anh - Ấn Độ sẽ chặt chẽ hơn khi ông lên cầm quyền.

Nguồn: Wall Street Journal

Nguồn: Wall Street Journal

Từ năm 2001 đến năm 2004, ông Rishi Sunak là nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, sau đó tham gia vào hai quỹ phòng hộ. Kể từ năm 2015, ông là nghị sĩ Bảo thủ đại diện cho Richmond, hạt Bắc Yorkshire, cũng là người ủng hộ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU), vì ông tin Brexit sẽ giúp Anh "tự do hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn". Ngoài ra, thay đổi chính sách nhập cư cũng là lý do chính khiến ông ủng hộ Brexit, ông cho rằng, chính sách nhập cư đúng đắn có thể có lợi cho đất nước, nhưng trước tiên phải kiểm soát biên giới của mình. Khi đại dịch Covid-19 ập đến Anh, ông Rishi Sunak cũng được biết đến nhiều hơn qua gói hỗ trợ kinh tế cho người lao động và doanh nghiệp trong đại dịch, nổi bật là xây dựng cơ chế nghỉ phép giúp hàng triệu người vượt qua giai đoạn phong tỏa.

Trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi mùa hè, ông Rishi Sunak cùng bà Truss là hai ứng viên hàng đầu để thay thế vị trí ông Boris Johnson. Ông Rishi Sunak đã cảnh báo kế hoạch kinh tế của Liz Truss sẽ trở thành “thảm họa”, và điều đó cuối cùng trở thành hiện thực. Nhiệm kỳ 44 ngày của bà Truss sau đó được đánh dấu bởi hàng loạt tranh cãi, sai lầm liên quan đến kế hoạch cắt giảm thuế, khiến thị trường tài chính hỗn loạn, Đồng bảng Anh (GBP) mất giá kỷ lục vào hôm 26.9, xuống 1 GBP đổi 1,035 USD.

Do đó, khi lên nắm quyền, ông Rishi Sunak sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức, vực dậy nền kinh tế đang trên đà rơi vào suy thoái trong bối cảnh giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt. Cùng với đó, cải thiện nội bộ đảng Bảo thủ vì gần đây có những sự bất đồng về ý thức hệ và người dân Anh ngày càng bày tỏ sự không hài lòng về đảng này.

Đứng trước bài toán kinh tế đầy thách thức

Mặc dù, ông Rishi Sunak đã có kinh nghiệm điều hành nền tài chính công của Anh vượt qua khủng hoảng, nhưng điều đó không có nghĩa việc chèo lái những thách thức kinh tế của đất nước sẽ trở nên ít khó khăn hơn. Vào năm 2020, ông Rishi Sunak đã đứng ra bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi một số tác động kinh tế do đại dịch Covid-19. Vào thời điểm đó, lạm phát ở mức thấp và Ngân hàng Trung ương Anh đang mua nợ chính phủ, giúp giữ lãi suất ở mức thấp khi việc vay mượn tăng cao để trả cho sự gia tăng lớn trong chi tiêu. Theo NYTimes, giờ đây, khi đã trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh, ông sẽ phải đối mặt với những bối cảnh kinh tế rất khác, cụ thể: Tỷ lệ lạm phát đã lên tới 10% - cao nhất trong 40 năm và như nhiều quốc gia khác, nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đang tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, và sẽ không mua nợ chính phủ vì bắt đầu từ tháng tới, ngân hàng đang có kế hoạch từ từ bán trái phiếu. Điều đó có nghĩa là chính phủ sẽ dựa nhiều hơn vào các nhà đầu tư, những người đã yêu cầu lãi suất cao hơn, hơn là ngân hàng trung ương để mua trái phiếu.

Trong hoàn cảnh này, ông Rishi Sunak có một số vấn đề cấp bách cần giải quyết, là làm thế nào để hỗ trợ các hộ gia đình bị siết chặt bởi chi phí năng lượng tăng cao, sau khi cuộc chiến giữa Nga - Ukraine. Hóa đơn hộ gia đình đã bị đóng băng ở mức trung bình 2.500 bảng Anh (2.826 USD) một năm, nhưng sau đó Chính phủ dự kiến sẽ phát triển một chính sách rẻ hơn để giúp đỡ những hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất. Một chính sách tương tự cũng được áp dụng để trợ giúp các doanh nghiệp trong 6 tháng. Sau khi dành ra hàng chục tỷ bảng Anh để giảm bớt các hóa đơn năng lượng, Chính phủ Anh cũng đang chịu áp lực khi phải tìm ra cách họ sẽ tiếp tục vay nợ như thế nào trong một nỗ lực để khôi phục uy tín tài chính của Anh trên thị trường. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo tài chính vào ngày 31.10 tới. Ông Jeremy Hunt cho biết, để giảm mức nợ, cần phải đưa ra các quyết định rất khó khăn về vấn đề chi tiêu và thuế. Ông kêu gọi các cơ quan chính phủ tìm cách tiết kiệm tiền mặc dù ngân sách của họ, đồng thời thuế cũng có khả năng tăng. Hiện tại, ông Rishi Sunak vẫn chưa tiết lộ chi tiết về kế hoạch kinh tế của mình với tư cách là thủ tướng, nhưng các nhà đầu tư đang đón nhận triển vọng về vị trí mới của ông trong tương lai.

Theo báo cáo mới nhất, đồng bảng Anh đang giao dịch ở mức khoảng 1,13 USD, cao hơn một chút so với mức vào ngày 22.9. Vào hôm 24.10, lợi tức trái phiếu chính phủ đã giảm từ mức cao gần đây. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 3,75%, sau khi đóng cửa ở mức 4%. Đây là mức thấp nhất kể từ báo cáo tài chính vào hồi tháng 9. Lãi suất giảm sẽ là niềm an ủi cho ông Rishi Sunak, vì lãi suất thấp hơn sẽ thu hẹp lượng tiền mà Kho bạc sẽ cần dành để trả lãi suất, điều này có thể giảm bớt việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, song cũng có những lời nhắc nhở khác về những khó khăn kinh tế mà Anh phải đối mặt.Theo Chỉ số nhà quản lý mua hàng, đo lường xu hướng kinh tế, hôm 24.10, chỉ số đo lường hoạt động kinh tế ở Anh đã giảm, khi ngành dịch vụ công bố mức giảm hàng tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 1.2021. Chỉ số dịch vụ và hoạt động sản xuất giảm xuống 47,2 điểm. Nhà kinh tế tại S&P Global Market Intelligence Chris Williamson cho biết, dữ liệu trên cho thấy tốc độ suy giảm kinh tế đang cho thấy động lực.

Sau đó, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã thay đổi quan điểm của họ đối với Anh từ mức ổn định, đồng thời tái khẳng định xếp hạng đầu tư Aa3 hiện tại của quốc gia này. Xếp hạng tín dụng thấp hơn có xu hướng dẫn đến chi phí đi vay của chính phủ cao hơn. Moody’s cho biết, triển vọng đã bị thay đổi thành tiêu cực vì sự khó đoán trong quá trình hoạch định chính sách ngày càng gia tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao. Ngoài ra còn có rủi ro là việc gia tăng vay nợ sẽ thách thức khả năng chi trả nợ của Anh, đặc biệt nếu có sự suy yếu liên tục về độ tin cậy chính sách.

Đây chỉ là thông tin mới nhất về các mối quan tâm kinh tế của chính phủ bao gồm hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp chống lại chi phí sinh hoạt tăng cao, khuyến khích đầu tư để cải thiện mức tăng năng suất yếu, làm “êm dịu” mối quan hệ thương mại của Anh với Liên minh châu Âu và phát triển thị trường lao động để bảo đảm các doanh nghiệp có thể tìm được những người có kỹ năng phù hợp. Tổng giám đốc Phòng Thương mại Anh Shevaun Haviland hy vọng rằng, tân Thủ tướng sẽ có một tầm nhìn dài hạn rõ ràng nhằm đối phó với những thách thức phía trước, giúp các cộng đồng dựa vào chúng để phát triển.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hua-hen-mot-hanh-trinh-dot-pha-i304765/