Hơn 44% người trưởng thành ở đô thị Việt Nam nhiễm cholesterol máu cao
Các bệnh mạn tính không lây hiện ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe toàn dân, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế với tỷ lệ nguyên nhân tử vong lên đến 80%. Thừa cholesterol là 1 trong những bệnh mạn tính không lây nguy hiểm nhất, nhưng lại chưa được kiểm soát đúng đắn, thậm chí thờ ơ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam (VIAM, trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Báo động thực trạng thừa cholesterol-Hệ lụy và giải pháp”. Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đã đưa ra nhiều thông tin, cảnh báo và những hướng đi cụ thể nhằm góp phần giải quyết tình trạng thừa cholesterol hiện nay.
Hơn 50% phụ nữ ở độ tuổi 50-65 thừa cholesterol
Tại Hội thảo. PGS,TS,BS Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Phổi Trung ương, chia sẻ: các nguyên nhân gây tăng cholesterol máu có thể chia thành 3 yếu tố: chế độ ăn, cân nặng và hoạt động thể lực. Trong đó, yếu tố chế độ ăn được đặt lên hàng đầu, nhất là việc thực phẩm nạp vào cơ thể chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
“Mức cholesterol xấu càng cao, càng dễ dẫn đến nguy cơ về bệnh tim mạch. Năm 1990, tăng cholesterol xấu là nguyên nhân gây tử vong xếp hạng 15, thì đến năm 2007 đã “lên hạng” 11 và năm 2019 là hạng 8”, PGS,TS,BS Nguyễn Quang Dũng lo ngại.
Dẫn các thống kê, nghiên cứu về sức khỏe, ông Dũng cũng cho biết: một phần ba số ca nhồi máu cơ tim trên toàn cầu là do tăng cholesterol máu gây ra. Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 trường hợp nhiễm cholesterol máu cao. Đáng chú ý, tỷ lệ này ở khu vực thành thị lên tới hơn 44%.
Trong khi ở nước ta, có tới hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi 50-65 bị thừa cholesterol trong máu, thì cộng đồng vẫn chưa thật sự quan tâm đến tình trạng tăng cholesterol, mỡ máu cao. Đồ ăn xào, rán, nhiều thịt mỡ, ít rau xanh và hoa quả… vẫn xuất hiện nhiều ở các nhà hàng cũng như trong bữa cơm gia đình.
Lựa chọn chế độ ăn phù hợp
Đồng tình với ý kiến trên, TS,BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng VIAM, đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng về việc lựa chọn chế độ ăn cho người có mỡ máu cao.
Theo đó, cần thay thế protein động vật bằng protein thực vật. Trong số các nguồn cung cấp protein động vật, có thể áp dụng phương pháp “giảm số chân”. Nghĩa là, giảm dần việc tiêu thụ thịt động vật 4 chân như lợn, bò, thay thế bằng thịt gà, vịt, ngan và tăng cường cá, trứng…
Kết quả từ các chương trình nghiên cứu do VIAM tiến hành cho thấy, sau 60 ngày sử dụng phương pháp nạp năng lượng với thực đơn sử dụng dầu ăn chứa dầu gạo, bổ sung gamma oryzanol và phytosterol, hơn 23% số người tham gia chương trình đã giảm được cholesterol xấu trong cơ thể.
“Từ những nghiên cứu, chúng tôi đã xây dựng được phương pháp có tên “Thực đơn chuẩn LIGHT” nhằm giúp ngăn ngừa rối loạn mỡ máu. Trong đó, LIGHT có nghĩa: Lựa chọn chất béo có lợi - Ít tiêu thụ da, mỡ, nội tạng động vật - Giảm muối khi chế biến thức ăn - Hạn chế rượu bia - Tăng cường rau xanh, ngũ cốc”, TS,BS Trương Hồng Sơn nói.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông-Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Y tế, nhận định: trong số các yếu tố, nguy cơ chính gây ra các bệnh mạn tính không lây, thì rối loạn lipid máu hay mỡ máu cao chính là nguyên nhân chủ yếu.
“Tình trạng này hoàn toàn có thể kiểm soát và dự phòng bằng chế độ dinh dưỡng hằng ngày, nhưng cần sự chung tay của toàn cộng đồng, cùng với việc trang bị kiến thức, biện pháp đúng đắn, dựa trên cơ sở khoa học hiện đại”, PGS,TS Nguyễn Thị Xuyên cho hay.