Hôm nay, Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới

Sáng 3/1, Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) cao nhất thế giới, đạt mức trung bình 284 vào 9 giờ 25 phút. Đây là ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe con người.

Sáng 3/1, Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) cao nhất thế giới, đạt mức trung bình 284 vào 9 giờ 25 phút. Đây là ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe con người.

Sáng 3/1, Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) cao nhất thế giới, đạt mức trung bình 284 vào 9 giờ 25 phút. Đây là ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe con người.

Cụ thể, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, sáng 3/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 284, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Xếp tiếp theo là các thành phố Delhi (Ấn Độ), Karachi (Pakistan) và Vũ Hán (Trung Quốc). Trước đó, liên tiếp trong các ngày đầu tiên của năm mới 2025, thủ đô Việt Nam cũng nằm trong top đầu các nước ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.

Cũng theo IQAir, chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại quận Tây Hồ cùng thời điểm đã lên tới ngưỡng rất nguy hiểm, đạt thang màu nâu - cao nhất trong thang đánh giá.

Điển hình, tại điểm đo đặt tại Quảng Khánh, Quảng An, thời điểm 9 giờ 25 phút cho thấy chỉ số AQI đã đạt mốc 557, trong khi các điểm lân cận cũng vượt mức 400. Đứng thứ 2 về mức độ ô nhiễm, sau Hà Nội là thành phố Hải Phòng, với chỉ số AQI ở mức 272.

Chỉ số AQI đo được tại Quảng Khánh, Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) lên tới mức 557 - mức nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Chỉ số AQI đo được tại Quảng Khánh, Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) lên tới mức 557 - mức nguy hiểm cho sức khỏe con người.

AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.

Hiện, Hà Nội đang có kế hoạch giảm phát thải từ nguồn giao thông của Hà Nội gồm: Giảm bụi đường, trong đó tăng cường công tác rửa đường; giảm ùn tắc giao thông bằng cách điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; Xây dựng khu vực phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông phát thải vượt mức cho phép; đầu tư chuyển đổi phương tiện giao thông, khuyến khích phương tiện giao thông công cộng...

Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm tới cơ thể, chuyên gia Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lưu ý người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trên các app điện thoại, website. Qua đó, người dân sẽ biết được khu vực mình đang sinh sống có ô nhiễm hay không để có những kế hoạch sinh hoạt phù hợp.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên: Người dân phải thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp.

Xếp hạng các thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu sáng 3/1.

Xếp hạng các thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu sáng 3/1.

Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho các con ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.

Đối với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm.

Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.

SƠN BÁCH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hom-nay-ha-noi-la-thanh-pho-co-chi-so-o-nhiem-khong-khi-cao-nhat-the-gioi-post854001.html