Hôm nay 24/5, Quốc hội thảo luận các dự án sửa đổi luật: Lưu trữ; Cảnh vệ; Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Hôm nay 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi);

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

* Về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), tại phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 61 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 giảm 1 chương và 7 điều.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số như thể hiện tại khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tài liệu lưu trữ sớm hơn, qua đó góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ; hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn.

Đối với các tài liệu cần sử dụng thường xuyên do đặc thù hoạt động của cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao do các Bộ trực tiếp quản lý và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của một số lĩnh vực chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành có liên quan nhưng phải nộp vào lưu trữ lịch sử trong thời hạn tối đa là 30 năm kể từ năm nộp vào lưu trữ hiện hành. Tài liệu chứa bí mật nhà nước chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi đã được giải mật.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là 10 năm như Luật Lưu trữ hiện hành. Bởi, thời hạn này được quy định từ Pháp lệnh Lưu trữ năm 2001, kế thừa tại Luật Lưu trữ năm 2011 và đã được thực hiện ổn định, qua tổng kết thực hiện cơ bản không phát sinh vướng mắc. Đây là thời hạn tối đa phải nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Cơ quan, tổ chức có thể nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tại bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn nêu trên.

* Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Theo đó, về nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Đối với nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng Cảnh vệ.

Công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế; do đó tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp trong phạm vi, thời gian nhất định.

Về chế độ, biện pháp cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ rõ, một số chế độ, biện pháp cảnh vệ hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng chưa được quy định trong Luật để đảm bảo áp dụng thống nhất. Ngoài ra, lực lượng cảnh vệ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt; do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ phải thường xuyên huấn luyện nâng cao, huấn luyện chuyên sâu, đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện công tác cảnh vệ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ công tác cảnh vệ. Do vậy, cần thiết bổ sung các nhiệm vụ vào dự thảo Luật.

Dự thảo Luật gồm 2 Điều. Trong đó, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; cụ thể đề xuất sửa đổi, bổ sung 15/33 điều. Điều 2 quy định về Hiệu lực thi hành.

* Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình bày Tờ trình trước Quốc hội chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự án Luật gồm 8 chương, 74 điều. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật đã kế thừa quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

Theo đó phạm vi điều chỉnh quy định về quản lý, sử dụng và nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và chỉnh lý, bổ sung về kỹ thuật trình bày văn bản.

Liên quan đến các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; đồng thời bổ sung một số nội dung nghiêm cấm như: Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ...

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ để quản lý chặt chẽ số vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ...

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công...

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-245-quoc-hoi-thao-luan-cac-du-an-sua-doi-luat-luu-tru-canh-ve-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro-272394.html