Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh: Nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất giải pháp thiết thực

LTS: Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề 'Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tinh, gọn, mạnh-Giá trị, ý nghĩa và định hướng', Ban tổ chức nhận được gần 300 tham luận, lựa chọn 120 tham luận tiêu biểu đăng trong kỷ yếu hội thảo.

Các tham luận tập trung làm rõ, luận giải nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt đề xuất nhiều nội dung, giải pháp thiết thực xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Báo QĐND trích đăng một số ý kiến tại hội thảo.

Thượng tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN THÀNH, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương:

Điều chỉnh tổ chức biên chế phù hợp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng

Để Quân đội không ngừng lớn mạnh, thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước, trước hết cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm của Đảng về xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới.

Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để, linh hoạt, sáng tạo, đúng lộ trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, điều chỉnh tổ chức biên chế bảo đảm phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, đặc thù đơn vị, phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và vũ khí, trang bị. Từng bước hoàn thiện, phát triển, nâng cao hiệu quả và sức chiến đấu của các đơn vị chủ lực, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong mọi tình huống tác chiến.

Thượng tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN THÀNH, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Phát triển nền CNQP hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Theo đó, tiếp tục xây dựng, phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; có quy mô tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động phù hợp.

Gắn kết, phát triển CNQP với công nghiệp quốc gia, có cơ cấu hợp lý trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia, ưu tiên hướng tới những công nghệ hiện đại, có hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao theo hướng tập trung, thống nhất; đổi mới tư duy sản xuất vật tư kỹ thuật theo hướng mở rộng liên doanh, liên kết, xã hội hóa...

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng nhằm tận dụng, huy động các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội. Theo đó, cùng với đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, cần thúc đẩy hợp tác trong phát triển CNQP, kỹ thuật quân sự, kết hợp với mua sắm vũ khí, khí tài mới, hiện đại và gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ mới, hiện đại.

-------------------------

Thiếu tướng, TS TRẦN MINH TUẤN, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng:

Chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương chiến lược

Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân ta, được triển khai thực hiện dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Trong đó, phát huy vai trò cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược là vấn đề mấu chốt để có những chiến lược, chính sách đúng đắn, khoa học, thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), nhất là BVTQ “từ sớm, từ xa”. Cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược có chức năng nghiên cứu, đề xuất ý tưởng, tham mưu, biên soạn, xây dựng quyết nghị và ban hành các văn bản chiến lược, chính sách ở tầm vĩ mô (cấp quốc gia, cấp bộ, ngành, toàn quân, toàn quốc).

Thiếu tướng, TS TRẦN MINH TUẤN, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức ra các cơ quan tham mưu giúp việc là Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, các tổng cục, các cục, vụ, viện... để tư vấn, tham mưu hoạch định chiến lược, chính sách trên từng lĩnh vực, ngành hoặc toàn diện hoạt động quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, BVTQ.

Đây là những cơ quan chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu, đề xuất và trực tiếp biên soạn, “thiết kế” nội dung các vấn đề chiến lược, chính sách, pháp luật về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Chất lượng, tính khoa học, tính Đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, tính cách mạng, tính khả thi, thực tiễn của các chiến lược, chính sách xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tham mưu hoạch định.

Mặt khác, trong quá trình thiết kế, chuẩn bị (dự thảo) nội dung các chiến lược, chính sách thường được gửi đến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chiến lược, các tổ chức, lực lượng liên quan trong và ngoài Quân đội để xin ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết nghị, ban hành. Do vậy, các chiến lược, chính sách xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh thời kỳ mới có được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ và toàn xã hội hay không phụ thuộc lớn vào vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu hoạch định...

--------------------

TS NGUYỄN MINH VŨ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao:

Kết hợp chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh

Dưới góc độ đối ngoại và hội nhập quốc tế về quốc phòng, Quân đội tinh, gọn, mạnh phải tiếp tục phát huy được truyền thống, sức chiến đấu của Quân đội cách mạng; trong đó, người chiến sĩ là nhân tố quyết định, vũ khí là nhân tố quan trọng, theo phương châm xây dựng Quân đội “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quân đội tinh, gọn, mạnh càng phải được đào tạo, huấn luyện theo hướng chuyên nghiệp hóa, với trang thiết bị hiện đại để vững mạnh, tiến lên hiện đại. Kết hợp với nhân tố sức mạnh con người và bản lĩnh chính trị của người chiến sĩ, sức mạnh về công nghệ và khí tài sẽ giúp bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi hình thái chiến tranh.

TS NGUYỄN MINH VŨ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.

Quân đội tinh, gọn, mạnh cần có mạng lưới bạn bè, đối tác, triển khai hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trên cơ sở chính sách quốc phòng “bốn không”, tinh thần tin cậy, thẳng thắn, chân thành, thực chất, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Mạng lưới đối tác, bạn bè sẽ góp phần giúp chúng ta tăng cường tiềm lực, khả năng tự lực, tự cường về quân sự, nâng cao sức mạnh quốc phòng. Các hoạt động hợp tác giúp chúng ta trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các nước; hợp tác quốc tế cũng góp phần nâng cao vị thế của QĐND Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện, Quân đội ta cần tiếp tục phát huy vai trò, vị thế, đóng góp vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức chung trên phạm vi toàn cầu. Về lĩnh vực này, cần nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Quân đội ta những năm gần đây trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục thảm họa động đất.

Đây là điểm sáng của chúng ta trong hội nhập quốc tế, đóng góp quan trọng vào triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, được cộng đồng quốc tế và các nước tiếp nhận đánh giá cao. Những thành tựu này làm gia tăng vị thế của QĐND Việt Nam, khẳng định hình ảnh LLVT nhân dân Việt Nam chính quy, chuyên nghiệp, có trách nhiệm với các vấn đề chung của quốc tế, khu vực.

Đối với ngành ngoại giao, nhiệm vụ xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu ngày càng lớn hơn trong việc phối hợp cùng quốc phòng, an ninh củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và giữ vững sự bình yên cho Tổ quốc...

------------------------------------

Trung tướng, TS ĐÀO TUẤN ANH, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng:

Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược

Quân đội được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tinh, gọn, mạnh đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi cao về chất lượng toàn diện cả về con người và cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị; trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược cho Quân đội. Học viện Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đổi mới giáo dục và đào tạo; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nâng cao toàn diện chất lượng công tác huấn luyện-đào tạo.

Trung tướng, TS ĐÀO TUẤN ANH, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng.

Huấn luyện-đào tạo luôn gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học, thường xuyên chủ động nắm chắc tình hình, đặc biệt là chính sách, chiến lược của các nước lớn liên quan đến quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển mới về lý luận quốc phòng, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trên cơ sở đó, cập nhật, bổ sung thông tin mới, phát triển lý luận mới vào huấn luyện-đào tạo; hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện-đào tạo cho các đối tượng học viên theo chuẩn đầu ra chương trình đào tạo một cách sáng tạo, phù hợp với các nguyên lý cơ bản của khoa học giáo dục hiện đại và tình hình thực tiễn trong nước, trên thế giới.

Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học tích cực phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại. Thực hiện hiệu quả phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; gắn nhà trường với đơn vị, tăng cường mời các đồng chí là lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tham gia giảng dạy phù hợp với từng đối tượng đào tạo.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức cho học viên đi học tập, nghiên cứu thực tế tại các địa phương, đơn vị trong toàn quân. Duy trì nghiêm “ba thực chất” gắn với “hai thiết thực”, đánh giá đúng chất lượng huấn luyện-đào tạo; bảo đảm cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có đủ năng lực tham gia hoạch định các chiến lược, làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược trong toàn quân.

Đổi mới công tác diễn tập theo hướng đưa lý luận sát với thực tế lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo cơ quan, đơn vị theo các loại hình tác chiến giả định; sát với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Tập trung nghiên cứu xây dựng giả định hình thái chiến tranh hiện đại, loại hình tác chiến chiến lược mới để đưa vào diễn tập tại Học viện và có thể ứng dụng trong toàn quân...

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoi-thao-khoa-hoc-cap-quoc-gia-ve-xay-dung-quan-doi-tinh-gon-manh-nhieu-y-kien-tam-huyet-de-xuat-giai-phap-thiet-thuc-760869