'Hồi sinh' di sản bằng công nghệ
Số hóa không chỉ giúp lưu giữ ký ức lịch sử mà còn có thể khôi phục gần như nguyên trạng, giúp 'hồi sinh' di sản bị tổn hại. Thực tế phục dựng nhiều di tích, công trình lớn trên thế giới nhờ ứng dụng công nghệ đã chứng minh điều đó.

Đoàn viên thanh niên tìm hiểu về Khu di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, ở phường Gia Sàng, thông qua công nghệ số hóa di tích.
Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/4/2019 là một ví dụ. Thời điểm đó, cả thế giới bàng hoàng khi chứng kiến biểu tượng văn hóa của nước Pháp chìm trong biển lửa. Những tưởng việc phục dựng sẽ khó khăn, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra nhờ công nghệ số hóa 3D. Chưa kể, trước đó, một công ty bảo tồn đã thực hiện 150 bản quét laser scan khung sườn nhà thờ, giúp lưu giữ mọi chi tiết kiến trúc với độ chính xác đến từng milimét. Ngoài ra, một trò chơi điện tử nhằm tái hiện chân thực công trình đã số hóa chi tiết toàn bộ kiến trúc, vô tình góp phần vào quá trình phục dựng.
Việc ứng dụng công nghệ cũng được Học viện Đôn Hoàng (Trung Quốc) sử dụng để tạo ra một “đại sứ” ảo của quần thể hang động Mạc Cao ở tỉnh Cam Túc. Với tên gọi Jia Yao, nữ “đại sứ” ảo được tạo hình dựa trên cảm hứng từ nữ thần nước trong văn hóa Phật giáo với phụ kiện tóc và trang phục truyền thống của Trung Quốc có thể giúp giới thiệu và quảng bá về lịch sử đời sống tôn giáo, nghệ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội của vùng đất này. Ngoài việc giới thiệu một cách sinh động những câu chuyện liên quan tới vùng đất gắn liền với lịch sử Phật giáo, Jia Yao có thể thể hiện những điệu nhảy có nguồn gốc từ nghìn năm trước.
Những câu chuyện về ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, gìn giữ các di tích, di sản trên thể giới đã cho thấy số hóa không chỉ là công cụ lưu trữ dữ liệu mà còn là phương tiện bảo vệ, khôi phục di sản hiệu quả. Nếu di tích lịch sử được số hóa chi tiết, chúng ta sẽ có cơ hội phục dựng chính xác thay vì đối diện với nguy cơ mất mát vĩnh viễn. Do vậy, số hóa không đơn thuần chỉ là việc chụp lại di tích mà cần tiến xa hơn, đó là xây dựng mô hình 3D chi tiết, lưu giữ thông tin kiến trúc, vật liệu, đặc điểm văn hóa của từng di tích, di sản…
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202504/hoi-sinh-di-san-bang-cong-nghe-0f03d9c/