Hội nghị 'Những định hướng lớn xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam'

Ngày 5/3, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị về 'Những định hướng lớn xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam'. Đồng chí Lê Thị Nga – Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBTP chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị, còn có các đồng chí phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp; các đồng chí đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội. Đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Phú Yên.

Đại diện cơ quan soạn thảo Dự án Luật có đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh án TANDTC và các đồng chí thẩm phán TANDTC.

Khách mời chuyên gia quốc tế có ông Vijaya Ratnam Raman – Cố vấn kỹ thuật quốc tế, Chương trình Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Bà Shelley Casey – Chuyên gia độc lập của UNICEF về tư pháp người chưa thành niên; Bà Maia Chochua – Chuyên gia về tư pháp người chưa thành niên, Cộng hòa Georgia; Ông Cyril Beaufils de Saint Vincent – Trưởng phòng các vấn đề Châu Âu và quốc tế, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp.

Khách mời chuyên gia trong nước có bà Nguyễn Thanh Trúc – Chuyên gia bảo vệ trẻ em UNICEF; ông Hoàng Thế Liên – Hiệu trưởng trường Đại học Chu Văn An, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; ông Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh Án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; ông Khổng Ngọc Oanh – Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công An; ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế TANDTC và một số chuyên gia đến từ các bộ ngành Trung ương, địa phương; Đại diện lãnh đạo các cơ quan Công an, VKSND, TAND, Sở Lao động, thương binh xã hội của các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị.

Đồng chí Lê Thị Nga – Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBTP phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Thị Nga – Chủ nhiệm UBTP nhấn mạnh việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là một giải pháp khả thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 05/2024 tới đây và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024.

Các biểu đến tham dự Hội nghị

Đồng chí chủ nhiệm UBTP đề nghị các đại biểu tham dự phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với những định hướng lớn trong xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày 7 chuyên đề lớn: Tổng quan về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên; Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội và đề xuất kiến nghị; giới thiệu Luật tư pháp người chưa thành niên của Georgia; Giới thiệu Bộ luật Hình sự người chưa thành niên năm 2021 của Cộng hòa Pháp; Quy định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội và đề xuất, kiến nghị...

Bà Shelley Casey – Chuyên gia độc lập của UNICEF phát biểu tại Hội nghị

Bà Shelley Casey – Chuyên gia độc lập của UNICEF đánh giá cao sáng kiến của chính phủ trong việc xây dựng dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên toàn diện. Đây là cách thức hiệu quả nhằm củng cố và mở rộng các quy định hiện hành về người chưa thành niên trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản dưới luật. Đưa ra những cải cách mạnh mẽ và toàn diện giúp hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Sau ngày làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm, hội nghị đã thành công tốt đẹp. Hội nghị bày tỏ sự nhất trí cao đối với việc người chưa thành niên phải chịu trách niệm về hành động của mình, hình phạt và chế tài được áp dụng phải tính đến độ tuổi và nhu cầu thúc đẩy quá trình phục hồi và tái hòa nhập của người chưa thành niên. Tuy nhiên, mục tiêu chính luôn là giáo dục và cải tạo chứ không phải trừng phạt.

Thanh Nga - Danh Kiên

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hoi-nghi-nhung-dinh-huong-lon-xay-dung-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-cua-viet-nam-420046.html