Hội nghị mùa Xuân của IMF và WB: Những câu hỏi về sự bất ổn và bất định
Hội nghị mùa Xuân của IMF và WB năm nay chứng kiến bức tranh xám màu của kinh tế thế giới, trước áp lực từ thuế quan Mỹ.

Vấn đề thuế quan chi phối Hội nghị mùa Xuân 2025 của IMF và WB. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 21-26/4, chuỗi sự kiện mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức diễn ra tại Washington D.C (Mỹ). Đây là hoạt động thường niên, quy tụ các nhà kinh tế học, quan chức chính phủ về kinh tế - tài chính nước thành viên. Các sự kiện chính bao gồm cuộc gặp Ủy ban Phát triển, Ủy ban Tiền tệ và tài chính quốc tế, tập trung vào bức tranh kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thế giới những tháng tới.
Có thể nói, Hội nghị mùa Xuân năm nay diễn ra vào khoảnh khắc không thể thời sự hơn. Thế giới, vốn trở nên ngày càng khó lường, tiếp tục chao đảo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định áp thuế quan mới với hàng hóa nhập khẩu vào xứ cờ hoa. Bên cạnh đó, Washington cũng để ngỏ khả năng rút khỏi IMF và WB, hai cơ chế tài chính quốc tế quan trọng do chính nước này đồng sáng lập và đóng vai trò then chốt. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về sự ổn định cùng triển vọng của nền kinh tế - tài chính toàn cầu trong những tháng tới.
Bài toán thuế quan
Diễn biến những ngày qua đã chứng minh thực trạng nêu trên. Ngay trong ngày họp đầu tiên, IMF đã công bố Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (GFSR). Văn bản này nhấn mạnh các tuyên bố áp thuế, thậm chí cả quyết định tạm hoãn sau đó của ông chủ Nhà Trắng mang tới nhiều rủi ro cho nền tài chính toàn cầu. Một trong số đó là tăng trưởng kinh tế giảm: Theo báo cáo, do tác động từ thuế quan của Mỹ, sản lượng toàn cầu sẽ giảm từ 3,3% (2024) xuống 2,8% (2025); sản lượng của Mỹ sẽ giảm từ 2,8% xuống còn 1,8% năm nay.
Ngoài ra, GFSR nhận định kinh tế thế giới sẽ có “một số đợt sụt giảm đáng kể nhưng không có suy thoái”, chủ yếu là do bất ổn “ngoài dự kiến” và biến động thị trường do lệnh áp thuế quan.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá, cho dù nền kinh tế thế giới vẫn hoạt động tốt, song những nhận thức không mấy sáng sủa về tình hình bất ổn thương mại cùng lo ngại về thuế quan dẫn đến suy thoái có thể tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế. Đó là chưa kể việc đồng USD có thể đánh mất vị trí như một tài sản trú ẩn an toàn sau khi mức thuế quan mới của ông Trump dẫn đến làn sóng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ.
Trên cơ sở đó, trọng tâm các cuộc họp thường niên của IMF và WB, vốn tập trung cải cách các ngân hàng phát triển đa phương và tăng cường cấu trúc nợ có chủ quyền, giờ chuyển sang tìm biện pháp né tránh hoặc giảm thiểu tác động từ các lệnh áp thuế quan của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính xứ cờ hoa Scott Bessent, người giữ vai trò đàm phán chính của ông Trump về các thỏa thuận thuế quan, bỗng trở thành nhân vật trung tâm tại chuỗi sự kiện. Dự kiến, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato Katsunobu và người đồng cấp Hàn Quốc Choi Sang-mok sẽ gặp ông Bessent để thảo luận về khả năng trì hoãn áp thuế ở mức 24%.
Chuyện đi, chuyện ở
Một câu chuyện khác nhận được sự quan tâm không kém là khả năng Mỹ rút khỏi IMF và WB. Vừa qua, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp “180 ngày đánh giá đối với các tổ chức quốc tế” và quá trình này hiện vẫn đang diễn ra.
Hiện Bộ Tài chính Mỹ đang tham gia tích cực vào quá trình này, song quyết định cuối cùng của Washington và theo đó, tương lai của IMF và WB vẫn là dấu hỏi lớn. Mỹ không chỉ là đồng sáng lập, mà còn sắm vai cổ đông lớn nhất của hai tổ chức này, cung cấp sức mạnh tài chính cần thiết để IMF và WB thể hiện tầm ảnh hưởng, đặc biệt là qua vai trò cho vay.
Giải thích cho quyết định này, cựu Giám đốc Trung Quốc của IMF, ông Eswar Prasad chỉ ra rằng chính quyền mới không thích mọi tổ chức đa phương, bao gồm IMF và WB bởi không phải khuyến nghị và chính sách nào của tổ chức này cũng “phù hợp với lợi ích của Mỹ”.
Tương tự, chưa có gì cho thấy chính trị gia này sẽ tiếp tục triển khai cam kết của người tiền nhiệm Joe Biden về cung cấp 4 tỷ USD cho Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) - quỹ ưu đãi của WB dành riêng cho các quốc gia kém phát triển nhất.
Trong bối cảnh đó, phát biểu tại Diễn đàn Triển vọng toàn cầu của Viện Tài chính quốc tế (IIF) bên lề chuỗi sự kiện nêu trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ trấn an thế giới rằng, nước này sẵn sàng hợp tác với IMF và WB. Song ông Bessent cảnh báo hai định chế tài chính toàn cầu này đang “tụt hậu” và cần điều chỉnh chiến lược, “biến IMF thành IMF một lần nữa”, tập trung ngăn chặn các chính sách phá giá cạnh tranh và hướng tới tăng trưởng thương mại một cách công bằng. Ông cũng hối thúc WB quản lý nguồn lực hiệu quả hơn và thiết lập thời điểm ngưng hỗ trợ cho các nước đã đạt đến trình độ phát triển nhất định, nhất là Trung Quốc.
Liệu những lời trấn an, kèm theo hàng loạt nỗ lực đàm phán của các quốc gia nhằm giảm thuế quan của Mỹ, có đủ sức nặng để kéo kinh tế thế giới khỏi bờ vực suy thoái? Đáp án vẫn còn ở phía trước.