Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về rừng tại huyện Khánh Vĩnh
Ngày 17-9, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng Dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2019 - 2023 tại huyện Khánh Vĩnh. Dự và làm việc với đoàn có đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Khánh Vĩnh.
Giai đoạn 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024 huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện trồng được 100 ha rừng phòng hộ (rừng thay thế), hơn 240,2 ha rừng sản xuất, 720,77 ha rừng sau khai khác. Giai đoạn năm 2019-2023, huyện có 38 hộ dân tham gia nhận khoán rừng với diện tích 954,49 ha. Với diện tích rừng được nhận khoán lại qua các chủ rừng khác, Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa giao khoán bảo vệ rừng cho 8 hộ dân, tổng diện tích 240 ha; thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN đã giao khoán, bảo vệ rừng 540 ha cho 18 hộ dân nhận khoán. Huyện cũng nêu ra một số khó khăn trong việc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng về trách nhiệm, mức xử phạt khi có vi phạm rất cao nên đa số các hộ nghèo không đủ năng lực, không dám nhận khoán bảo vệ rừng; các khu rừng giao khoán xa khu dân cư, địa hình đi lại khó khăn nên công tác bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả cao…
Huyện Khánh Vĩnh kiến nghị cấp trên xem xét, chỉnh sửa quy định về việc chi trả tiền công khoán, bảo vệ rừng 6 tháng/ lần cho người dân có kinh phí đảm bảo cuộc sống và có kinh phí đi tuần tra, bảo vệ rừng; sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 12 ngày 20-9-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Hướng dẫn một số hoạt động lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MT giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, để người dân được hưởng lợi từ các chính sách và phù hợp với thực tế hiện nay.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo và ý kiến các thành viên trong đoàn công tác, ông Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao nỗ lực, kết quả bước đầu phát thực hiện chính sách pháp luật giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng, ổn định sinh kế của huyện Khánh Vĩnh trong thời gian qua; đồng thời đề nghị thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư, hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS-MN; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quan tâm đến công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định các chủ thể đủ điều kiện pháp lý. Trong giao khoán bảo vệ rừng, người dân là chủ lực; do đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ rừng. Đồng thời, đề nghị huyện rà soát lại diện tích đất rừng bóc tách trên địa bàn để có phương án, mô hình hỗ trợ hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giải quyết triệt để tình trạng tranh chấp đất rừng…
Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh đã tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác để thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn; đồng thời mong muốn đoàn công tác tiếp tục quan tâm, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách giao đất, giao rừng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.