Hồi chuông báo động

Nền chính trị Australia lại dậy sóng khi trong ngày 21-10, nhiều tờ báo lớn của nước này đồng loạt đăng trên trang nhất giống hệt nhau với các dòng chữ bị bôi đen nhằm phản đối những hạn chế quyền tự do thông tin theo luật an ninh quốc gia.

Nền chính trị Australia lại dậy sóng khi trong ngày 21-10, nhiều tờ báo lớn của nước này đồng loạt đăng trên trang nhất giống hệt nhau với các dòng chữ bị bôi đen nhằm phản đối những hạn chế quyền tự do thông tin theo luật an ninh quốc gia.

Các tờ báo quốc gia, bao gồm cả nhật báo The Australian và Financial Review, cũng đăng tải các bài viết cho rằng, các phương tiện truyền thông Australia đang bị “trói buộc” bởi các quy chế bảo mật chặt chẽ của chính phủ và các nhà báo đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự trong quá trình hoạt động làm nghề. Trong khi đó, từ tối 20-10, các đài truyền hình quốc gia đã bắt đầu phát đi các hình ảnh phát động chiến dịch truyền thông có tên là “Quyền Được Biết”, yêu cầu chính phủ bảo vệ tốt hơn các nhà báo và nguồn tin.

Chiến dịch trên bắt nguồn từ việc Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) đã khám xét nơi ở của nữ nhà báo Annika Smethurst chuyên viết về các vấn đề chính trị thuộc hãng truyền thông News Corp và trụ sở của đài truyền hình ABC tại thành phố Sydney vào giữa năm nay nhằm điều tra về các bài báo được viết dựa trên thông tin mật bị rò rỉ. Tuy nhiên, với những diễn biến xảy ra ở nước này trong suốt thời gian qua, chiến dịch trên chỉ là “giọt nước làm tràn ly” mà thôi.

Chiến dịch “Quyền Được Biết” cũng yêu cầu chính phủ ban hành luật cho phép các tổ chức truyền thông phản đối các lệnh khám xét của cảnh sát, sửa đổi các quy định của luật an ninh quốc gia theo hướng không coi việc hành nghề của các nhà báo là hành vi tội phạm, tăng cường bảo vệ những người cung cấp thông tin hay tố giác, và hạn chế việc đóng dấu mật các tài liệu nhằm mục đích hạn chế việc đưa tin.

Kể từ năm 2002, đã có 75 điều luật liên bang được ban hành nhằm mục đích bảo đảm an ninh quốc gia, nhưng theo các hãng truyền thông Australia, các văn bản này chỉ có tác dụng hạn chế thông tin về việc đưa ra quyết định của chính phủ. Sự chú ý của thế giới ở Australia đã chuyển sang các quyền tự do truyền thông vào đầu năm nay khi lệnh của tòa án ngăn cản truyền thông đưa tin về việc Hồng Y George Pell bị kết tội xâm hại tình dục trẻ em.

Điều này thật sự đã gióng hồi chuông báo động cho Australia bởi đây là một động thái chưa từng có tiền lệ. Nhưng bất chấp làn sóng phản đối như thế này, phát biểu trước các phóng viên, Thủ tướng Scott Morrison Australia khẳng định, chính phủ của ông luôn tin tưởng vào tự do báo chí nhưng cũng nhấn mạnh không một ai kể các nhà báo, được “đứng trên pháp luật”.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_214667_hoi-chuong-bao-dong.aspx