Học sinh THPT có đủ khả năng học sớm đại học?
Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến cho học sinh xuất sắc, có năng lực ở cấp THPT được học tín chỉ một số môn cơ bản đại học và công nhận kết quả này.
Câu hỏi đặt ra, liệu học sinh có đủ khả năng học sớm đại học?
Bước đi đột phá
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nêu thông tin trên tại Hội nghị thường niên năm 2023 được tổ chức vào ngày 22/12. Theo đó, trong năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho học sinh THPT vượt trội. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của Đại học Quốc gia TPHCM theo phương thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Hình thức này không chỉ dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu. “Tôi thấy nhiều trường đại học lớn như Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, có cơ chế đột phá cho những học sinh giỏi vượt trội. Các tài năng đặc biệt 14 tuổi có thể vào đại học, 16 - 18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ. Nếu chúng ta cứ đi theo mô hình tuyến tính mà không đột phá thì không biết bao giờ mới thành công”, PGS.TS Vũ Hải Quân giải thích cho kế hoạch này.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, hình thức này mở ra nhiều lợi ích cho học sinh tài năng. Các em có cơ hội được tiếp cận giáo dục đại học sớm. Ngoài ra, các em được định hướng nghề nghiệp, làm quen sớm với môi trường đại học. Sinh viên rút ngắn thời gian học đại học tối đa khoảng 1 năm nếu trước đó tham gia học tập hình thức này.
“Đại học Quốc gia TPHCM đang xây dựng đề án và điều kiện cụ thể cho kế hoạch học tín chỉ. Hiện, việc đào tạo đại học được thực hiện từng bước, như vậy khó để phát triển. Đại học Quốc gia TPHCM phải mạnh dạn triển khai vì Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Trung ương tạo cơ chế chính sách vượt trội cho sự phát triển của hai Đại học Quốc gia trong việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực”, PGS.TS Vũ Hải Quân bày tỏ.
Phù hợp mục tiêu đổi mới
Biết thông tin về kế hoạch trên, nhiều học sinh tỏ ra thích thú, dù chưa hình dung được việc học ở bậc đại học ra sao. Tuy nhiên, các em cho rằng, trải nghiệm học tập ở đại học sẽ mang đến những cơ hội học tập và kinh nghiệm nhất định.
Từng tham quan thực tế một trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Nguyễn Thị Uyên Nhi - học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai) thấy thích thú với môi trường đại học. Theo Nhi, nếu các trường đại học có thể tổ chức lớp học phù hợp với học sinh THPT vào cuối tuần hoặc dịp hè, em có thể tham dự. “Em có tìm hiểu giáo trình một số môn cơ bản ở các ngành khoa học xã hội thì thấy mình có thể học được”, Nhi chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) đánh giá đề xuất của Đại học Quốc gia TPHCM phù hợp với mục tiêu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Theo đó, Bộ GD&ĐT cũng chủ trương xây dựng các môn học theo hướng các chuyên đề, giúp học sinh tích lũy tín chỉ để rút ngắn thời gian học đại học. Đây cũng là bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chẳng hạn, tại Australia, chương trình giáo dục cho phép học sinh đăng ký học một số tín chỉ trong quá trình chuẩn bị đăng ký vào trường đại học.
Theo cô Thảo, việc xây dựng chương trình và cho phép đăng ký học một số tín chỉ sẽ giúp học sinh sớm tiếp cận chương trình học đại học và rút ngắn thời gian theo học. Có thể, các em chỉ được học một số tín chỉ thuộc chương trình chung (đại cương) chứ không phải chuyên ngành. Ví dụ, học sinh THPT có năng lực học tập tốt, có thể học được một số môn như Lịch sử Văn minh thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… ở ngành Lịch sử bậc đại học.
TS Thảo cho rằng, nên thí điểm chương trình này cho học sinh các trường chuyên, năng khiếu, đánh giá hiệu quả rồi tính đến mở rộng ra các trường THPT khác. “Học sinh trường chuyên, năng khiếu có khả năng tiếp nhận kiến thức, tự học tốt và biết sắp xếp thời gian nên việc học trước một số tín chỉ đại học sẽ phù hợp với những em có thể đảm bảo việc học”, cô Thảo đánh giá.
Về hình thức học tập và thi cử, theo TS Thảo, có thể linh động theo hình thức trực tuyến hoặc xen kẽ trực tuyến, trực tiếp. “Tùy cách các trường chọn hình thức đánh giá thế nào để các em có thể học và hoàn tất việc học với hình thức đánh giá phù hợp”, cô Thảo nói.
ThS Phạm Lê Thanh - giáo viên Hóa học, Trường THPT Nguyễn Hiền, (TPHCM) đánh giá, học sinh học tích lũy tín chỉ đại học ở cấp THPT là điều rất mới và phù hợp xu hướng.
“Giới trẻ ngày nay giỏi, nhạy bén. Nếu có cơ hội, họ sẽ rút ngắn được lộ trình học, hoàn thành chương trình đại học, sớm làm nghề và phụng sự xã hội”, thầy Thanh đánh giá và nêu quan điểm, hình thức này mang lại nhiều lợi ích cho học sinh tài năng. Đơn cử, với chuyên ngành liên quan đến hóa học ở đại học, các môn đại cương ở năm đầu có kiến thức gần giống chương trình THPT. Những em có sở trường, năng khiếu về hóa hoàn toàn có thể theo học sớm khối kiến thức đại cương này.
“Khi được học các tín chỉ đại học sớm, các em có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn về giáo dục đại học. Sự va chạm này giúp học sinh cảm thấy thích hợp, có động lực tiếp tục vào đại học mình mong muốn. Cũng có em cảm thấy không hợp thì có thể chọn con đường, ngành học hoặc ngôi trường đại học khác”, ThS Thanh nhận định.
Trước đây, Đại học Quốc gia TPHCM từng có đề án đề xuất học sinh THPT có thể học và thi tín chỉ một số môn học ở chương trình đại học. Đề án dựa trên chương trình học AP (Advanced Placement), học sinh có thể chọn học trước một số môn theo nhiều chuyên đề khác nhau (38 môn học theo 7 môn chính) ngay từ phổ thông.
Đề án được xây dựng trên nguyên tắc thí điểm áp dụng cho học sinh giỏi của Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM); học sinh có thể tham gia một số lớp học đại cương của các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TPHCM. Tuy nhiên, đề án chưa triển khai do các trường thành viên chưa thống nhất vấn đề học phí, cách thức cấp tín chỉ, tổ chức…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-thpt-co-du-kha-nang-hoc-som-dai-hoc-post666392.html