Học sinh chuyên hứng thú khi tiếp cận cách học liên môn Văn-Sử-Địa

'Học liên môn Văn-Sử-Địa đem đến niềm hứng thú thực sự trong dạy và học, đem lại giá trị khoa học và giá trị thực tiễn trong mỗi bài học'.

Tại cuộc tọa đàm khoa học "Trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày" tiếp cận liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Địa lí" do Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức cuối tuần qua, các em học sinh đã chia sẻ cảm nhận của mình với cách học liên môn giúp đưa kiến thức khô cứng vào thực tiễn.

Cuộc tọa đàm khoa học "Trường ca 'Cuộc chiến mười ngàn ngày' tiếp cận liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Địa lí" thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến tích cực của các em học sinh

Em Đại Nghĩa, lớp 12 Địa lí, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia cuộc thi viết về cuốn sách "Cuộc chiến mười ngàn ngày" của tác giả Nguyễn Hữu Đạt, do NXB Công an Nhân dân xuất bản năm 2015, cho biết ngoài tiếp thu được kiến thức về những trang lịch sử hào hùng của đất nước, của dân tộc để có hòa bình ngày hôm nay, cuốn sách bao gồm cả kiến thức, số liệu địa lí, giúp người đọc hiểu rõ về tập quán, đời sống của các vùng miền đất nước.

"Chúng em may mắn được tiếp cận với cách học liên môn Địa lí - Lịch sử - Ngữ văn thông qua việc cảm nhận và tham gia cuộc thi viết về trường ca "Cuộc chiến mười ngàn ngày". Là học sinh khối chuyên Địa lí, chúng em nhận thức rằng, địa lí là một yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nên nền văn hóa của một vùng đất, một địa phương và lớn hơn là cả một đất nước. Những yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng đã hình thành thói quen đời sống, sinh hoạt và canh tác của con người mỗi vùng miền. Trực tiếp tác động vào tính cách, đời sống văn hóa của vùng miền đó, tạo nên cách ứng xử với thiên nhiên, giữa con người nhau. Trong chiến tranh, người dân mỗi vùng miền, với mỗi đặc điểm khác nhau nhưng lại chung lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước", em Đại Nghĩa chia sẻ.

Em Đại Nghĩa, lớp 12 Địa lí, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn

Là một giáo viên dạy Lịch sử, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, sau khi cuốn sách "Cuộc chiến mười ngàn ngày" được đưa đến tay các giáo viên, học sinh và cả phụ huynh, thì đều thu về chung nhận định rằng, môn học Lịch sử trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ tiếp thu và lan tỏa hơn: "Dạy sử là khó, là khô và nhiều học trò khiếp sợ. Nhưng cách học liên môn, gắn Lịch sử với thơ ca khiến môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn. Các em học sinh khi đọc cuốn sách sẽ cảm nhận sâu hơn, cảm nhận đa chiều từ những góc độ khác nhau từ Lịch sử, Ngữ văn đến Địa lí".

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (trái) cùng PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông (phải) tác giả cuốn sách "Cuộc chiến mười ngàn ngày"

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, trong chương trình SGK 2028 được đưa vào giảng dạy, kiến thức Lịch sử một phần được giảm tải lớn nhưng một phần được nâng cao, được khắc sâu. Chính các học sinh đã chia sẻ rằng, cách học liên môn đã đem đến niềm hứng thú thực sự trong dạy và học, đem lại giá trị khoa học và giá trị thực tiễn trong mỗi bài học./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hoc-sinh-chuyen-hung-thu-khi-tiep-can-cach-hoc-lien-mon-van-su-dia-post1008519.vov