Học nghề tuổi trung niên: Liều lĩnh hay khởi đầu mới?

Làn sóng người trung niên tìm đến các trường nghề đang âm thầm dấy lên, phá vỡ định kiến 'già rồi còn học'.

Nhiều người ở độ tuổi trung niên vẫn quyết định học nghề để thay đổi cơ hội nghề nghiệp. Ảnh minh họa INT.

Nhiều người ở độ tuổi trung niên vẫn quyết định học nghề để thay đổi cơ hội nghề nghiệp. Ảnh minh họa INT.

Đây là lựa chọn bộc phát do khủng hoảng, hay bước đi chiến lược, khôn ngoan để nắm bắt những cơ hội vàng trong một thị trường lao động đầy biến động?

Trăn trở ngã rẽ sự nghiệp

Anh Nguyễn Huy Hoàng (46 tuổi, Đồng Nai) có hơn 20 năm gắn bó với vị trí trưởng phòng hành chính - nhân sự cho một công ty sản xuất. Vài năm trở lại đây, anh cảm nhận rõ sự chững lại của bản thân. Những kiến thức quản trị anh Hoàng học từ chục năm trước dần lạc hậu.

Các nhân viên trẻ, năng động hơn, thông thạo các phần mềm quản lý mới, các phương pháp tối ưu hóa hiệu suất công việc bằng công nghệ. Áp lực từ ban lãnh đạo về việc tinh gọn bộ máy, cắt giảm chi phí khiến vị trí của anh trở nên lung lay.

“Mỗi sáng đến công ty, tôi cảm thấy mình như cỗ máy cũ kỹ cố gắng vận hành giữa một dây chuyền toàn máy móc đời mới. Kinh nghiệm 20 năm của tôi quý giá, nhưng nó đang bị xói mòn bởi tốc độ thay đổi. Tôi sợ ngày nào đó mình bị thay thế. Nhưng giờ ở tuổi này, nộp đơn xin việc ở công ty khác là điều gần như không thể. Họ cần người trẻ, sẵn sàng làm việc 12 tiếng/ngày với mức lương có khi chỉ bằng nửa của tôi”, anh Hoàng bộc bạch.

Ý tưởng đi học một khóa về kỹ thuật điện công nghiệp hay lắp đặt nhà thông minh bắt đầu hình thành trong anh Hoàng. Nhưng ngay lập tức, hàng loạt rào cản hiện ra: Học phí ở đâu? Thời gian nào để học khi vẫn phải đi làm? Học xong liệu có xin được việc không khi chỉ có chứng chỉ nghề mà không có kinh nghiệm thực chiến?

“Tôi đang rất băn khoăn. Thật sự để ngồi chung lớp với thanh niên chỉ đáng tuổi con mình, bắt đầu lại từ những bài học vỡ lòng làm tôi sợ thất bại, bị đánh giá và nhiều vấn đề về tài chính bủa vây”, anh Hoàng tâm sự.

Khác với anh Hoàng, chị Lê Thị Mai (trú tại TPHCM) làm công nhân cho một xưởng may xuất khẩu được 15 năm. Công việc lặp đi lặp lại, thu nhập chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu. Năm ngoái, công ty cắt giảm nhân sự do đơn hàng sụt giảm, chị nằm trong danh sách phải nghỉ việc.

Ở tuổi 41, với tấm bằng tốt nghiệp THPT và kỹ năng duy nhất may công nghiệp, chị loay hoay không biết làm gì để kiếm sống. Đi xin việc ở các xưởng khác, họ đều ưu tiên người trẻ, mắt tinh, tay nhanh hơn.

Nhìn các tiệm spa, làm móng, gội đầu dưỡng sinh mọc lên ngày càng nhiều, chị nảy ra ý định đi học nghề về làm đẹp. Chị nghĩ nghề này có thể giúp mình tự chủ, thậm chí nếu có vốn, có thể mở cửa tiệm nhỏ tại nhà. “Tiền học phí là cả một vấn đề. Tôi không biết mình có đủ khéo léo để học những thứ tỉ mỉ như làm nail hay massage không. Nhìn các bạn trẻ trên mạng làm đẹp cho khách hàng trông chuyên nghiệp và tự tin, tôi lại thấy mình nhỏ bé và lạc lõng”, chị Mai chia sẻ.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Phá bỏ rào cản, nắm bắt cơ hội

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, nhận định, khó khăn lớn nhất của thị trường lao động hiện nay là chênh lệch cung cầu về trình độ chuyên môn, ngành nghề và tiền lương. Tình trạng dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu nhiều lao động kỹ thuật, tay nghề cao đang phổ biến.

Nhóm lao động từ 35 - 50 tuổi chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi phải rời khỏi công việc, bởi các doanh nghiệp ít tuyển dụng lao động phổ thông ở độ tuổi này. Tuy nhiên, nghịch lý là nhu cầu tuyển dụng lao động trung niên có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt lại rất lớn.

Ông Tuấn chỉ ra rào cản lớn nhất không nằm ở thị trường mà chính tâm lý người lao động. Khởi động một công việc mới khi ở độ tuổi trung niên là điều khó khăn. Yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp thật sự khó khi nhóm tuổi này cần ổn định tâm lý, vượt qua nhận thức về sự lạc nhịp cùng giới trẻ để học những kiến thức, kỹ năng mới.

Tuy nhiên, điều cốt lõi để thành công trong thị trường lao động của mỗi người hiện nay là tinh thần, thái độ tích cực, niềm tin vào bản thân và chủ động nỗ lực thích nghi với sự thay đổi. Thực tế đã minh chứng, khi người lao động trung niên vượt qua rào cản tâm lý, việc học nghề phù hợp với sở thích để tiếp tục làm việc không hề khó khăn.

“Để hỗ trợ nhóm lao động này, các cơ quan Nhà nước cần có chính sách cụ thể như hỗ trợ vốn đào tạo, tái đào tạo; giao trách nhiệm cho các trung tâm dịch vụ việc làm và trường nghề trong việc tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp; đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi cho việc học tập, nâng cao kỹ năng gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về tiềm năng của lao động trung niên, ông Mai Hoàng Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM) cho rằng, những năm gần đây, ngày càng nhiều người trung niên chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Họ học không chỉ để mưu sinh, mà còn để làm mới mình và thích nghi với chuyển động của thị trường.

Người trung niên sở hữu những lợi thế mà lao động trẻ khó có được: Tính kỷ luật, sự ổn định trong công việc và đặc biệt kinh nghiệm sống phong phú. Đây là những “tài sản” vô giá được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, đặc biệt trong các ngành dịch vụ đòi hỏi sự thấu cảm và kiên nhẫn như chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, hay các ngành kỹ thuật đòi hỏi sự cẩn trọng như kỹ thuật ô tô, điện dân dụng.

“Với sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ, khởi nghiệp cá nhân, người học trung niên hoàn toàn có cơ hội vừa học nghề, vừa làm chủ công việc của chính mình mà không bị giới hạn bởi tấm bằng đại học hay tuổi tác”, thầy Lộc khẳng định.

Theo ông Lộc, để biến cơ hội thành hiện thực, các cơ sở đào tạo đóng vai trò là cầu nối quan trọng. Đào tạo nghề là cơ hội thứ hai cho nhiều người. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm mở rộng cánh cửa học tập, không chỉ cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT mà cả người trưởng thành muốn chuyển hướng nghề nghiệp.

Cụ thể, tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đang triển khai như miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cấp học bổng cho hoàn cảnh khó khăn. Quan trọng hơn cả là môi trường học tập không phân biệt tuổi tác, nơi người học trung niên được đồng hành, khích lệ để vững tay nghề và tự tin lập nghiệp.

“Con đường học nghề ở tuổi trung niên không phải canh bạc may rủi. Đó là lựa chọn chiến lược, một sự đầu tư thông minh cho tương lai. Tôi tin rằng giáo dục nghề nghiệp không dành riêng cho tuổi trẻ mà dành cho bất kỳ ai muốn trang bị kỹ năng để lao động lương thiện và tự chủ cuộc sống.

Chỉ cần bản thân thực sự quyết tâm cùng sự hỗ trợ từ các chính sách xã hội, các cơ sở đào tạo tâm huyết. Cánh cửa cho một khởi đầu mới luôn rộng mở, chỉ cần họ đủ can đảm để bước qua”, ông Lộc khẳng định.

Theo ông Trần Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp đang “khát” nhân lực ở những lĩnh vực ưu tiên như: Công nghệ kỹ thuật, dịch vụ ẩm thực, chăm sóc khách hàng, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

Ngoài ra, các vị trí trong lĩnh vực tư vấn phát triển sản xuất - kinh doanh, hoạt động xã hội, giáo dục nghề nghiệp tư nhân và quốc tế, cũng như các công việc tự do (freelance) trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ đều là những mảnh đất màu mỡ cho người lao động có kinh nghiệm.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-nghe-tuoi-trung-nien-lieu-linh-hay-khoi-dau-moi-post738211.html