Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường: Cần đảm bảo an toàn cho học sinh

Hiện nay, hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường được nhiều trường học trong cả nước tổ chức. Hoạt động này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khuyến khích tổ chức đối với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện với mục đích gắn việc học với hành, lý thuyết đi đôi với trải nghiệm thực tế cho học sinh. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc đối với học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm, dã ngoại do nhà trường tổ chức khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Vào cuối tháng 3/2024, một học sinh lớp 9 ở tỉnh Ninh Thuận đã bị tử vong do đuối nước khi tham gia thực hành trải nghiệm hệ sinh thái “một ngày với thiên nhiên” tại khu vực vịnh Vĩnh Hy. Cũng trong tháng này, xe chở 42 học sinh ở Hải Phòng đi tham quan trải nghiệm xảy ra va chạm khiến một số em bị thương. Trước đó, vào tháng 5/2023, một học sinh và phụ huynh ở Hà Nội cũng đã tử vong do đuối nước tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định.

Thông thường, hoạt động trải nghiệm được các trường tổ chức vào mỗi đợt kết thúc giữa kỳ hay kết thúc năm học, bởi đây là khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai học kỳ, học sinh vừa thi xong nên đỡ áp lực với việc học hành. Khi vận dụng, đơn vị trường học nếu được cha mẹ học sinh đồng thuận sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, nếu không thì tổ chức hoạt động đó trong nhà trường.

Không ít phụ huynh khi được lấy ý kiến về việc này rất phân vân giữa việc cho hay không cho con tham gia, nhất là đối với các chuyến trải nghiệm ở ngoại tỉnh. Mặc dù vậy, quyết định cuối cùng vẫn phải đồng ý, phần vì nể nang giáo viên, phần vì chiều theo ý con.

Một trong những lý do khiến phụ huynh không yên tâm đó là sự an toàn trong suốt hoạt động trải nghiệm khi các con đang ở độ tuổi hiếu động và có những thay đổi về tâm sinh lý đòi hỏi sự quản lý, kèm cặp của ba mẹ.

Một lý do khác là vì các hoạt động trải nghiệm đều huy động mức đóng góp từ phụ huynh trong khi điều kiện kinh tế của nhiều gia đình không dư giả. Mức đóng góp nếu quá nhiều sẽ trở thành gánh nặng của không ít người.

Thời gian gần đây, trước phản ánh của phụ huynh về mức đóng góp kinh phí tham gia tiết học trải nghiệm quá cao, một số sở GD&ĐT trong cả nước đã có quy định cấm việc lợi dụng hoạt động trải nghiệm núp bóng tham quan, du lịch để thu tiền của phụ huynh.

Hiện nay, hoạt động trải nghiệm không chỉ bó buộc trong từng cấp học mà được tổ chức từ mầm non đến cấp THPT. Mỗi cấp học đều có những chương trình trải nghiệm ngoài nhà trường phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Trước hết cần khẳng định đây là hoạt động bổ ích, bổ sung cho học sinh những kiến thức về xã hội và giảm áp lực cho các em sau những giờ lên lớp căng thẳng. Hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên cả nước với thời lượng 105 tiết/năm học, thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ.

Chương trình này được thiết kế nội dung phong phú, lồng ghép các hoạt động tham quan di tích lịch sử, làng nghề, tìm hiểu về các vị anh hùng dân tộc và vui chơi, giải trí. Điều quan trọng khiến học sinh thích thú, đó là qua mỗi chuyến đi, các em hiểu thêm về bạn bè, học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm.

Nhiều phụ huynh ủng hộ và đánh giá cao chất lượng của các hoạt động này với quan niệm con cái cần được tham gia trải nghiệm thực tế để khám phá thế giới xung quanh. Điều này sẽ giúp các em có thêm sự hiểu biết và tự tin hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khi tổ chức các hoạt động này, nhà trường, các đơn vị tổ chức cần phải đặt yếu tố an toàn của học sinh lên trên hết, nhất là thời gian tới đây, hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức nhiều hơn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Gần đây, nhiều trường học có xu hướng cho học sinh đi trải nghiệm hoặc dã ngoại ở ngoại tỉnh, nhất là đối với lễ chia tay học sinh cuối mỗi cấp học.

Điều này phù hợp với tâm lý chung của học sinh là muốn đi chơi xa, nhất là đến các địa điểm du lịch nổi tiếng ở nhiều nơi trong nước. Tuy nhiên, việc di chuyển một quãng đường xa tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Hơn nữa, tại các địa điểm du lịch này, học sinh thường thích tham gia những trò chơi mạo hiểm, hay leo đồi, núi, chơi ở khu vực gần hồ, suối... khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Học sinh vốn hiếu động, thường nghĩ ra nhiều trò chơi mới lạ để thử thách bản thân, mỗi học sinh lại có một đặc điểm riêng nên việc giám sát, quản lý trong các chuyến đi xa rất khó khăn.

Vì thế, địa điểm tổ chức hoạt động trải nghiệm, dã ngoại cần được chọn lựa, cân nhắc kỹ càng. Các trường học cần tìm hiểu kỹ về địa điểm, quy trình tổ chức, các trò chơi mà học sinh sẽ tham gia phù hợp với độ tuổi, nhận thức của các em...

Nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường nên ưu tiên tổ chức hoạt động trải nghiệm, dã ngoại tại địa phương để giúp học sinh khám phá hết nét đẹp và truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Các điểm tổ chức tham quan trải nghiệm cần có hệ thống cảnh báo an toàn với những ghi chú, hướng dẫn ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hành để học sinh nhanh chóng nắm bắt.

Trong quá trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm, học sinh phải được nhắc nhở thường xuyên về tính kỷ luật, quy trình xử lý khi gặp hoặc chứng kiến bạn bè trong tình huống rủi ro, nhớ các số điện thoại liên hệ, phương thức liên lạc và kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp.

Để việc tổ chức các chương trình học thuộc môn Hoạt động trải nghiệm thực sự an toàn, hiệu quả, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường rất cần thiết.

Theo đó, gia đình cần có trách nhiệm phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để cung cấp các thông liên quan đến sức khỏe, tính cách của con mình.

Về phía nhà trường, cần lắng nghe ý kiến phản hồi của phụ huynh, học sinh để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình theo hướng vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hoat-dong-trai-nghiem-ngoai-nha-truong-can-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-185758.htm