Hoàn thiện thể chế tài sản mã hóa: Phải đi trước để bảo vệ nhà đầu tư
Việc hoàn thiện thể chế để quản lý, giám sát thị trường tài sản mã hóa là yêu cầu cấp thiết, vừa xuất phát từ thực tiễn phát triển, vừa là nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Chính phủ đặt ra rõ ràng. Thể chế phải đi trước để bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia.

Việt Nam xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hóa cao nhất.
Đã đến lúc hoàn thiện thể chế
Ở Việt Nam, tiền mã hóa đã xuất hiện từ năm 2011 khi một số cá nhân bắt đầu đầu tư vào Bitcoin trên các sàn giao dịch quốc tế. Dù không được công nhận, nhưng một số loại tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum, Litecoin, và Ripple đã có những giao dịch tại Việt Nam. Các loại tiền này đã và đang trở thành một loại tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, và phương thức huy động vốn tại Việt Nam.
Thống kê của Statista cho thấy, Việt Nam xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hóa cao nhất. Tuy nhiên, do thiếu khung pháp lý đầy đủ về tiền mã hóa, nhiều vấn đề liên quan đến giao dịch tiền mã hóa đã xảy ra, đặc biệt là các hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho người tiêu dùng tài chính.
Theo PricewaterhouseCoopers, đến năm 2030, khoảng 5 - 10% tài sản toàn cầu sẽ ở dạng số hóa. Do giá trị tài sản toàn cầu đang được kỳ vọng sẽ đạt mức 145,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025, đây sẽ là một con số khổng lồ, thậm chí còn tiếp tục tăng lên cùng các thay đổi chóng mặt do sự đổi mới, phát triển về công nghệ toàn cầu.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên toàn cầu, tài sản mã hóa không chỉ là một xu hướng công nghệ mà đang dần trở thành một cấu phần không thể thiếu trong nền kinh tế số. Với vai trò là một quốc gia đang trên đà bứt phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi. Điều quan trọng lúc này là làm thế nào để dẫn dắt sự phát triển một cách chủ động, bài bản và an toàn – và câu trả lời chính là hoàn thiện thể chế.
Theo đó, ngày 23/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện các cam kết phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trong đó yêu cầu khẩn trương xây dựng khung pháp lý cho tài sản mã hóa và các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan.
Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 đã đặt ra một thông điệp rất rõ ràng: thể chế phải trở thành lợi thế cạnh tranh. Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào ngày 28/02/2025 rằng cần nhanh chóng nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho thị trường tài sản số. Đây không đơn thuần là định hướng mang tính chiến lược mà là mệnh lệnh hành động – phải đi trước để bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia.
Đến tháng 2 và 3/2025, các chỉ đạo liên tiếp từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ càng khẳng định yêu cầu “không để tiếp tục chậm trễ” trong việc hình thành hành lang pháp lý cho thị trường này. Dự kiến trong tháng 5/2025, Bộ Tài chính, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành Dự thảo xây dựng khung pháp lý đối với loại hình tài sản này.
Theo ông Phan Đức Trung – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đây là thời điểm không thể phù hợp hơn để ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tài sản mã hóa. Bởi lẽ, nếu thể chế không kịp thời điều chỉnh thực tiễn, rủi ro pháp lý và hệ lụy tài chính sẽ không chỉ ảnh hưởng đến từng nhà đầu tư, mà còn đe dọa đến an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia.
Chế tài là điểm tựa ổn định
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm triển khai thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam là bước đi đầu tiên mang tính đột phá trong quản lý lĩnh vực mới mẻ này. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn là chưa có chế tài xử phạt hành chính cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài sản mã hóa. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý nguy hiểm, làm giảm hiệu lực thực thi của chính sách và làm gia tăng rủi ro trên thị trường.
Thực tiễn triển khai thị trường tài sản mã hóa, với quy mô nhà đầu tư và giao dịch lớn, đòi hỏi không chỉ khung pháp lý linh hoạt mà còn hệ thống chế tài đủ mạnh. Chính vì vậy, việc bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm về tài sản mã hóa vào Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (và các nghị định liên quan như Nghị định số 128/2021/NĐ-CP và Nghị định số 158/2020/NĐ-CP) là hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là bước đi cần thiết để thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc xây dựng một nền kinh tế số lành mạnh, có kiểm soát.
Cần nhấn mạnh rằng, chúng ta không đi chệch hướng khi chọn cách tiếp cận thận trọng, kế thừa và điều chỉnh các quy định xử phạt hành vi tương tự trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này không chỉ đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, mà còn tận dụng được kinh nghiệm quản lý từ thị trường tài chính truyền thống. Đồng thời, những quy định mới cũng không làm phát sinh thêm gánh nặng tài chính hay nhân lực đáng kể, vì có thể khai thác và sử dụng hiệu quả bộ máy hiện hữu trong lĩnh vực chứng khoán.
Tuy nhiên, do tính đặc thù và phức tạp của thị trường tài sản mã hóa, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính cũng lường trước được nhu cầu tăng cường năng lực quản lý, bao gồm đào tạo nhân lực, nâng cấp hệ thống giám sát và điều kiện thi hành. Việc triển khai thí điểm được xem là giai đoạn “tập dượt” để cơ quan quản lý tiến tới kiểm soát hiệu quả thị trường khi mở rộng toàn diện.
Theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài sản mã hóa là một bước đi tất yếu, không thể chậm trễ. Đây là công cụ pháp lý quan trọng giúp khẳng định cam kết của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc bảo vệ nhà đầu tư, xây dựng thị trường tài sản số an toàn, minh bạch và phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về chuyển đổi số và kinh tế số.