Hoàn thiện quy định pháp luật về an toàn giao thông cho trẻ em

Mỗi năm có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em, trong đó, có không ít trường hợp gây tử vong hoặc chấn thương nghiêm trọng cho các em. Để hạn chế tai nạn giao thông, nhiều chuyên gia đề xuất cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông như việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Thiết bị an toàn giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, thương tích

Theo báo cáo kỹ thuật mới đây của TS Lê Thu Huyền (Đại học Giao thông vận tải) và PGS, TS Phạm Việt Cường (Đại học Y tế công cộng), dây an toàn trên xe ô tô có tác dụng giảm 70% chấn thương nghiêm trọng và giảm 40% khả năng tử vong với hành khách trên xe. Tuy nhiên, dây an toàn chỉ được thiết kế cho người trưởng thành.

Trong trường hợp trẻ em còn nhỏ, dây an toàn không giữ được cơ thể trẻ khi có va chạm, thậm chí trẻ em bị chấn thương bởi chính dây an toàn. Theo một nghiên cứu của Mỹ, kích thước tối thiểu để một đứa trẻ sử dụng dây an toàn là: Chiều cao đứng 148cm; chiều cao ngồi 74cm và cân nặng 37kg. Điều đó đồng nghĩa với việc dưới 148cm, trẻ cần sử dụng thiết bị an toàn phù hợp trên ô tô.

Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô bao gồm: Nôi trẻ em sơ sinh (cho trẻ 2 tuổi); ghế trẻ em nhỏ (cho trẻ từ 2 đến 6 tuổi); và các loại đệm nâng (cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi). Việc sử dụng nôi an toàn cho trẻ dưới 2 tuổi và ghế cho trẻ dưới 6 tuổi rất dễ dàng và thuận tiện, bảo đảm độ tiện lợi và thoải mái cho trẻ. Khi trẻ lớn từ 6 đến 10 tuổi vẫn nên tiếp tục sử dụng ghế nâng hoặc đệm nâng cho đến khi cao ít nhất 145cm.

Một số mẫu thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô.

Báo cáo của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm từ 34% đến 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (25-58%) trong các vụ va chạm giao thông.

Theo báo cáo chuyên sâu về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ chỉ dùng dây an toàn người lớn; ghế nâng cho lứa tuổi 6-10 tuổi giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với trẻ không sử dụng. Đến nay đã có gần 100 quốc gia ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân.

Bổ sung, hoàn thiện quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em

Căn cứ vào cân nặng và chiều cao của trẻ em Việt Nam, chiều cao dưới 135cm của phần lớn trẻ em Việt Nam sẽ tương đương độ tuổi dưới 10 tuổi. Theo PGS, TS Phạm Việt Cường (Đại học Y tế công cộng), tại Việt Nam hiện nay chưa quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Đây là một khoảng trống về pháp luật cần được sớm bổ sung hoàn thiện trong thời gian tới để bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Trong bối cảnh ô tô gia tăng nhanh, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện và tốc độ giao thông ngày càng cao, nên quy định rõ việc cấm trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước (trừ xe có một hàng ghế) và "Trẻ em cao dưới 135cm và dưới 10 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em".

Ô tô cá nhân được khuyến cáo cần lắp đặt thiết bị an toàn cho trẻ em để bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh: BẢO LINH

Các chuyên gia đề xuất, thiết bị an toàn cho trẻ em chỉ quy định với xe ô tô con cá nhân vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao và bố mẹ người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này. Khuyến khích nhưng không bắt buộc với các loại xe vận tải công cộng vì vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, sự khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em. Có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Số lượng trẻ em từ 1 đến 10 tuổi tiếp cận với xe ô tô cá nhân tại Việt Nam một năm khoảng 500.000, như vậy dự báo có khoảng 500.000 xe ô tô con cá nhân sẽ nằm trong đối tượng điều chỉnh của quy định này.

Theo đánh giá sơ bộ, có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em, nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em tử vong do tai nạn giao thông một năm tại Việt Nam.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hoan-thien-quy-dinh-phap-luat-ve-an-toan-giao-thong-cho-tre-em-776562