Hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại
Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tập trung rà soát, thống kê, lên phương án và triển khai đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới nhiều công trình kè, cống, kênh mương thủy lợi… , góp phần giúp nông dân mở rộng diện tích canh tác, luân canh, tăng vụ; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thu nhập ổn định.
Năm 1997, toàn tỉnh có khoảng 250 hồ, đập; 365 trạm bơm lớn, nhỏ; gần 1.400km kênh mương loại I, II, III nhưng mới chỉ cứng hóa được khoảng 10 km... Khả năng phục vụ nước tưới cho sản xuất bị hạn chế, khiến năng suất lúa trung bình chỉ đạt khoảng 37 tạ/ha.
Sau 25 năm tái lập, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, theo hướng hiện đại với hơn 440 hồ đập, trên 380 trạm bơm lớn nhỏ và hơn 4.500 km kênh mương, riêng kênh loại I, II, III được kiên cố hóa trên 90%.
Khả năng trữ nước của hệ thống hồ, đập tăng lên khoảng 40% so với trước đây, đảm bảo nước tưới chủ động cho hơn 95% diện tích trồng trọt và khoảng 4.000 ha thủy sản, góp phần mở rộng diện tích sản xuất lên khoảng 30% và đưa năng suất lúa trung bình của tỉnh lên 58 - 60 tạ/ha.
Nhiều công trình thủy lợi có quy mô lớn và ý nghĩa đã và đang được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng như hồ điều hòa Thanh Lanh, Vĩnh Thành, Bản Long; trạm bơm Liễu Trì, Đại Định; nâng cấp trạm bơm Bạch Hạc; cải tạo hoàn thiện hệ thống kênh tiêu Bến Tre; cải tạo trạm bơm tiêu Đầm Láng; xây dựng, sửa chữa một số dự án công trình kè chống sạt lở đuôi tràn xả lũ, bờ sông, cầu qua kênh…; góp phần cải tạo môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai.
Từ đó, từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Điển hình như Dự án cải tạo, nạo vét sông Phan đoạn từ cầu Thượng Lạp đến điều tiết Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng; chiều dài toàn tuyến là 10,5 km; do liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Linh Nam – Công ty cổ phần Đầu tư Tam Sơn thi công.
Theo thiết kế, dự án được chia làm 6 đoạn tuyến thi công, trên tuyến phá dỡ cải tạo 3 cầu cũ qua sông, kết nối với tuyến giao thông đã có; xây dựng 126 cống tưới, tiêu nhằm tránh gây úng ngập cục bộ và các cống lấy nước vào các trạm bơm. Ngoài ra, đắp trả ao nuôi trồng thủy sản tại một số vị trí và bố trí ống tiêu nước từ ao ra sông.
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 9/2020 và sẽ hoàn thành vào tháng 9/2022. Hiện nay, đơn vị thi công đã triển khai xây lắp nạo vét sông địa phận các xã Yên Lập, Tân Tiến và thị trấn Thổ Tang; thi công 2 cầu qua sông Phan trên địa bàn xã Lũng Hòa.
Công tác BT-GPMB tại xã Lũng Hòa và thị trấn Thổ Tang đạt 90%; xã Vĩnh Sơn đã kiểm kê đạt 75%, đang thực hiện lập phương án, hoàn thiện thủ tục trình thu hồi, phê duyệt phương án BT-GPMB.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần kiểm soát nguy cơ lũ lụt, điều tiết lũ cho lưu vực sông Phan, phục vụ nhu cầu dùng nước của nhân dân các địa phương dọc theo trục sông này.
Anh Phan Thế Dũng, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tam Sơn cho biết: “Đơn vị đã tập trung nhân lực, thiết bị thi công và hoàn thành các hạng mục mố cầu, trụ cầu, móng và dầm tại cầu Đông và cầu Nam trên địa bàn xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường).
Đồng thời, phấn đấu hoàn thiện phần mặt cầu và đường dẫn. Dự kiến, đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ hoàn thành 2 cầu này để chuyển sang thi công cầu Lũng Hòa, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện 3 cầu của dự án”.
Ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT tỉnh cho biết: Năm 2021, đơn vị được giao vốn để thực hiện 26 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa một số cầu, cống, kè sạt lở, trạm bơm, nạo vét luồng tiêu sông Phan….
Các công trình này sau khi hoàn thiện sẽ phát huy vai trò rất quan trọng, giúp địa phương phát triển KT – XH bền vững, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã có kế hoạch tập trung
đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác quản lý các công trình thủy lợi, nâng cao năng lực trong phòng chống thiên tai, khuyến khích xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thủy lợi.
Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương; xây dựng các trạm bơm cưỡng bức tiêu nước ra sông Hồng, sông Phó Đáy bảo vệ sản xuất, sinh hoạt của người dân khi có mưa lũ; nâng cao khả năng tích trữ nước của các hồ điều hòa lớn như đầm Rưng, đầm Vạc, đầm Sáu Vó… phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.