Hóa giải khó khăn để phát triển: Dẫn dòng vốn đến doanh nghiệp
Cần có giải pháp hiệu quả hơn để giải phóng nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu thực hiện nghiêm các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trong đó, khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận vốn tín dụng…
Cần vốn nhưng rất khó vay
Ngày 30-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy (TP HCM), cho biết cuối năm 2022, ngay khi NHNN nới room tín dụng thêm 2%, ông đã liên hệ với ngân hàng thương mại vay khoảng 100 tỉ đồng để nâng cấp nhà xưởng phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản nhưng không được vay. "Kinh tế khó khăn, DN rất cần vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như giữ chân người lao động nhưng thời gian qua chúng tôi không tìm được nguồn vốn ưu đãi nào" - ông Thủy buồn rầu nói.
Theo ông Thủy, để DN tiếp cận được nguồn vốn cần phải có giải pháp thiết thực, phân bổ cho những ngành nghề nào thật sự cần vốn. Các hiệp hội DN có thể phối hợp với cơ quan chức năng xem xét đánh giá để xem DN thật sự cần vốn có được nguồn vốn.
Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc các ngân hàng được nới room 2% diễn ra vào thời điểm cuối năm, DN xuất khẩu thủy hải sản đã hoàn tất đơn hàng nên nhu cầu vay vốn không còn cấp thiết. Chưa kể, lãi suất quá cao nên các DN cũng cân nhắc. Nếu vay phải căn cứ vào từng hợp đồng để cân đối, tính toán thiệt hơn.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nhận định 6 tháng đầu năm 2023, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền khi xuất khẩu sang các thị trường truyền thống đang giảm sâu. Việc một số NH thương mại công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN nhưng chỉ là danh nghĩa, nhiều NH khác tăng lãi suất càng gây thêm áp lực lên DN. "Kỳ vọng trong quý I/2023, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh nhất định về các chính sách giúp DN vượt qua khó khăn cơ bản. Về phần mình, DN phải tiếp tục tái cấu trúc, cơ cấu lại bộ máy cho phù hợp với tình hình mới. DN cần tạm ngưng các gói đầu tư để thu hồi dòng tiền về, chờ dấu hiệu phục hồi của các thị trường xuất khẩu dệt may truyền thống, bên cạnh việc tiếp tục khai thác thị trường mới như châu Phi để giải quyết việc làm cho người lao động" - ông Việt nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), hiện có rất nhiều DN trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh… khát vốn. Rất cần NHNN có chính sách giải phóng nguồn lực tài chính cho DN thông qua việc tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay thêm năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Tiếp tục có chính sách hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ DN, cố định biên lãi ròng (NIM) của các NH thương mại về mức bình quân 3% nhằm giúp DN có lợi nhuận, lãi suất vay phù hợp và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động tín dụng. "Về chính sách tài khóa, cần thiết miễn giảm thuế TNCN từ tháng 7-2022 đến hết ngày 30-6; tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả ngành kinh tế đến hết năm 2024. Riêng về chính sách hỗ trợ thị trường vốn trái phiếu và bất động sản, nhà nước cũng cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu DN để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế" - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Kiểm soát, nắn vốn chảy đúng chỗ
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, ngành NH sẽ tập trung thực hiện giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đối với nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả... Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản... nhằm khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. "Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng NH có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, một trong những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng được Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị liên quan và các tổ chức tín dụng thực hiện trong năm nay là điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022 khoảng 14,17%, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm nay sẽ vào khoảng 14%-15% nhưng sẽ có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH thương mại sẽ căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường... Hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng sẽ được theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Về xu hướng lãi suất, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết đang có những yếu tố tích cực hỗ trợ lãi suất như lạm phát Mỹ có dấu hiệu đạt đỉnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhưng lộ trình giảm và những vấn đề khó khăn liên quan đến kinh tế trong nước cũng đang được giải quyết. Lãi suất ở thị trường Việt Nam có dấu hiệu đạt đỉnh cũng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. "Lãi suất cho vay thương mại đối với các tổ chức tài chính quốc tế áp dụng cho NH thương mại trong nước và DN trong nước đã giảm đáng kể với tốc độ nhanh và mạnh trong 2 tháng qua. Còn tình trạng một số NH thương mại trong nước huy động với lãi suất rất cao chỉ là cá biệt, xu hướng vẫn đang giảm. Bởi nếu lãi suất huy động bị đẩy lên quá cao sẽ khó khăn trong việc cho vay, hiệu quả kinh doanh" - ông Nguyễn Đình Tùng phân tích.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), cũng thừa nhận lãi suất tăng cao thời gian qua đã gây áp lực cho ACB trong việc giảm lãi suất cho vay đối với DN. Dù vậy, ACB vẫn đang triển khai chính sách giảm 1 điểm % lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu và khách hàng mới áp dụng từ tháng 12-2022 và duy trì đến nay. Để giảm lãi suất trở thành xu hướng mạnh hơn, lãnh đạo ACB mong muốn các NH thương mại cùng chung tay, nhất là tuân thủ đúng cam kết với Hiệp hội NH Việt Nam về việc huy động lãi suất đầu vào không quá 9,5%/năm.
Lãi suất huy động hạ nhiệt
Trong biểu lãi suất huy động mới nhất của NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng là 9%/năm áp dụng cho khách hàng VIP gửi từ 3 tỉ đồng trở lên và khách hàng thường là 8,7%/năm, thay vì mức 9,2%/năm trước đó.
Tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất huy động cao nhất đang áp dụng là 9%/năm cho các khoản tiền gửi từ 15 đến 36 tháng, nếu gửi online lãi suất cao nhất là 9,2%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm đáng kể so với mức 9,6%/năm hồi tháng 12 năm ngoái.
NH TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng điều chỉnh biểu lãi suất mới giảm ở một số kỳ hạn. Trong đó lãi suất cao nhất đang áp dụng là 9,3%/năm cho các kỳ hạn từ 9-36 tháng, riêng kỳ hạn 13 tháng lãi suất cao nhất là 9,5%/năm. Tương tự, NH TMCP Bản Việt cũng giảm lãi suất huy động từ 9,5%/năm xuống mức cao nhất hiện tại là 9%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12-24 tháng…
Lãnh đạo một số NH thương mại thừa nhận lãi suất huy động đang đi xuống và bớt căng thẳng trên thị trường liên NH trong bối cảnh lãi suất trên thị trường quốc tế tích cực hơn. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế bắt đầu tìm đến NH thương mại trong nước để cho vay với mức lãi suất thấp hơn từ 3-4 điểm % so với khoảng vài tháng trước.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng dù lãi suất huy động đã được yêu cầu khống chế dưới 9,5%/năm nhưng đây vẫn là mức cao so với mọi năm. Với mức cao này, dòng tiền nhàn rỗi đang và tiếp tục tìm đến kênh gửi tiết kiệm. Dự kiến đến hết quý II/2023, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định ở mức thấp hơn khoảng 7%/năm và mặt bằng lãi suất cho vay có cơ hội giảm về 10%-11%/năm.