Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn

Thời gian qua, nhất là từ sau đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, trở ngại. Để các DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh, chính quyền tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ.

Thời gian qua, nhất là từ sau đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Để các DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh, chính quyền tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó tập trung hỗ trợ về pháp lý, cấp phép đầu tư, tín dụng, thương mại, kết nối cung cầu...

Nhận thấy cái khó nhất của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chính là vốn sản xuất, kinh doanh, thời gian gần đây tỉnh đã cùng với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cụ thể là mở rộng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DN, tạo điều kiện để DN tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác. Đồng thời hỗ trợ DN nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất, thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN.

Cơ quan Thuế, ngân hàng của tỉnh đã tăng cường tổ chức đối thoại chuyên đề với hàng trăm DN nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực thuế, hóa đơn điện tử và những kiến nghị liên quan.

Với các DN khởi nghiệp, tỉnh chủ trương khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đưa trên 70 sản phẩm của DN lên hai sàn thương mại điện tử nổi tiếng là Postmart và Vỏ sò với trên 1.500 giao dịch; tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số cho hàng nghìn lượt người và hỗ trợ hàng trăm DN tham gia trải nghiệm thực tế các nền tảng số quản trị DN, hóa đơn điện tử, dịch vụ chữ ký số, kế toán DN.

Qua khảo sát, nhận thấy DN còn chưa mạnh dạn chuyển đổi mô hình đầu tư kinh doanh, tỉnh đã chỉ đạo các ngành trực tiếp hỗ trợ, tư vấn đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN; cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho DN trong quá trình khởi sự kinh doanh. Đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ và vừa đăng ký 100% hồ sơ qua mạng, rút ngắn thời gian trả kết quả đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 1 đến 2 ngày, kết quả chấp thuận chủ trương đầu tư từ 35 ngày xuống còn 25 ngày.

Các DN nhỏ và vừa thành lập mới được tư vấn miễn phí các thủ tục thay đổi, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh.

Tỉnh đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt nhằm nắm bắt tình hình hoạt động của DN, tổng hợp phân loại những khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm việc, giải đáp và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN.

Để các DN có điều kiện quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ Xuân, Tuần hàng Việt, Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Chương trình đưa hàng Việt về miền núi, Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP, Chương trình "Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ DN tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Trong năm 2023 đã có gần 40 lượt DN, hợp tác xã trên địa bàn tham gia giới thiệu sản phẩm tại 10 chương trình xúc tiến thương mại ngoài tỉnh.

Đánh giá của cộng đồng DN cho thấy, sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm vì sức khỏe DN của tỉnh Thái Nguyên đã giúp nhiều đơn vị vượt qua khó khăn, thoát khỏi bờ vực phá sản, đứng vững trên thị trường. Cộng đồng DN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, sẻ chia hơn nữa của chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202309/ho-tro-doanh-nghiep-kho-khan-c0c1db1/