Hiệu quả từ mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn
Phát triển sản xuất theo hướng tuần hoàn của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) đang phát huy hiệu quả. HTX này đã biến những phế phẩm của trái khóm Đồng Din thành nước tẩy rửa sinh học chất lượng cao và sản xuất ra phân hữu cơ để bón cho cây trồng, cải tạo đất. Mô hình này đã góp phần bảo vệ môi trường Phú Yên xanh - sạch - đẹp.
Biến rác thải thành sản phẩm OCOP
Mô hình phát triển sản xuất theo hướng tuần hoàn của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp (HTX) Đồng Din đã mang lại hiệu quả tích cực. HTX đã áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm từ trái khóm và tận dụng tất cả phụ phẩm thải để tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng và cải tạo đất. Đây cũng là đơn vị tiên phong sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây thải bỏ, được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên về loại sản phẩm này trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Đồng Din cho biết: Từ các thành phần của trái khóm, HTX đã tận dụng tối đa, như phần thịt trái khóm dùng để sản xuất bánh khóm, khóm sấy, rượu khóm, giấm khóm; phần lõi và vỏ khóm được mang đi ngâm ủ để sản xuất nước rửa chén và nước lau sàn sinh học; bã khóm sau khi ngâm ủ, các phụ phẩm khác và lá cây từ hoạt động vệ sinh cảnh quan trên địa bàn được mang đi ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng.
Sản phẩm nước tẩy rửa sinh học được chứng nhận OCOP 3 sao đã tạo được thương hiệu cho sản phẩm được tái chế từ phế thải, góp phần lan tỏa thông điệp “rác thải là nguồn tài nguyên nếu được phân loại, xử lý đúng cách”. Hiện HTX Đồng Din mỗi tháng sản xuất khoảng 400-500 lít nước rửa chén và nước lau sàn sinh học đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng.
Bà Nguyễn Thị Vân ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) là công nhân tham gia sản xuất nước tẩy rửa sinh học của HTX Đồng Din cho biết: Nhờ có máy móc hỗ trợ nên quy trình ngâm ủ, sản xuất nước tẩy rửa sinh học tại HTX khá thuận lợi. HTX Đồng Din đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục công nhân ở địa phương, trừ các khoản bảo hiểm, thu nhập bình quân mỗi công nhân từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Ngoài cung cấp thị trường trong tỉnh, các sản phẩm nước rửa chén và nước lau sàn sinh học của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. HTX Đồng Din có ý định mở rộng quy mô sản xuất, nhưng vấn đề này còn thụ thuộc vào vùng sản xuất nguyên liệu.
“HTX đang tập trung đầu tư trang thiết bị máy móc, nghiên cứu tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao hơn (sản phẩm OCOP 4-5 sao). HTX Đồng Din đang phối hợp với các nhà khoa học để đầu tư dây chuyền sản xuất tinh dầu khóm”, ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết thêm.
Bảo vệ môi trường khu dân cư
HTX Đồng Din đã triển khai mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt tại thị trấn Phú Hòa. Mô hình này sử dụng phương pháp thùng ủ lớn tập trung với quy mô 50 hộ/cụm dân cư. Mô hình đã vận động hàng trăm hộ dân trên địa bàn tham gia.
Ông Dương Trọng Hào, nhân viên HTX Đồng Din cho biết: Năm 2022, HTX đầu tư một thùng ủ rác hữu cơ có dung tích 1.000 lít thí điểm ủ rác tập trung tại khu dân cư. Nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn đã tham gia phân loại, tập kết các loại rác thải hữu cơ sinh hoạt hằng ngày đến thùng ủ. Trường cao đẳng Công Thương miền Trung đã chuyển giao công nghệ ủ nên khu vực ủ rác không phát sinh mùi hôi, sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ dùng để bón cho cây khóm và cây trồng của các hộ dân rất tốt. Sau khi thí điểm thành công, năm 2023, HTX tiếp tục đầu tư 2 thùng ủ loại 700 lít/thùng, đặt tại các điểm công viên, khu dân cư phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt…
Đến nay, các thùng ủ rác tập trung do HTX Đồng Din đầu tư đặt tại các khu dân cư ở thị trấn Phú Hòa đã phát huy hiệu quả về tính vệ sinh môi trường, không phá vỡ tính mỹ quan tại khu dân cư, xử lý tốt hỗn hợp rác thải có thành phần động, thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Huỳnh Huy Việt, Trưởng phòng Tổng hợp - Đánh giá tác động môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh) cho biết: Ngoài huyện Phú Hòa, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang nhân rộng mô hình ủ rác tập trung, ủ phân hữu cơ bằng thùng hiếu khí tại hơn 340 hộ dân trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 ít nhất 40% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý đúng quy định; 100% hộ gia đình hiểu biết, có kiến thức bảo vệ môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình phân loại và tài nguyên hóa rác thải sinh hoạt tại nguồn bước đầu mang lại hiệu quả. Trên cơ sở hiệu quả từ phương pháp xử lý rác hữu cơ bằng thùng ủ hiếu khí và sản xuất nước tẩy rửa sinh học, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm để nhân rộng. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xem xét định hướng và hình thành mô hình điểm về tài nguyên hóa rác thải.
Các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường của HTX Đồng Din đã vận động, liên kết được nhiều hộ dân trên địa bàn cùng tham gia và nhân rộng. Tháng 7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định trao tặng Giải thưởng môi trường tỉnh Phú Yên lần IV - năm 2024 cho 2 tập thể và 2 cá nhân, trong đó có HTX Đồng Din.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đào Thị Kim Chi
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320136/hieu-qua-tu-mo-hinh-san-xuat-theo-huong-tuan-hoan.html