Hiệu quả thiết thực từ hoạt động khuyến công

Hoạt động khuyến công thời gian qua đã phát huy vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm; nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Được hỗ trợ từ các hoạt động khuyến công, các sản phẩm của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh ngày càng được nhiều khách hàng biết đến.

Được hỗ trợ từ các hoạt động khuyến công, các sản phẩm của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh ngày càng được nhiều khách hàng biết đến.

Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là nội dung trọng tâm và chủ yếu trong hoạt động do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh thực hiện hàng năm. Giai đoạn 2021-2024, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 45 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất với tổng kinh phí 7,74 tỷ đồng. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 14 đơn vị kinh phí 4,1 tỷ đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 31 đơn vị với kinh phí 3,64 tỷ đồng.

Để triển khai hiệu quả các đề án khuyến công, hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp, làm việc với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố rà soát các cơ sở công nghiệp nông thôn, tổng hợp xây dựng kế hoạch thực hiện kinh phí khuyến công được giao.

Đồng thời kết nối các đơn vị tham gia các hội chợ công nghiệp, thương mại trong nước nhằm quảng bá và giới thiệu các sản phẩm để xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp các cơ sở có hướng đầu tư đúng, mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển một cách bền vững.

 HTX Nông nghiệp Thuật Yến được hỗ trợ 100 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến công tỉnh đã đầu tư mua mới thiết bị phục vụ sản xuất mì sợi.

HTX Nông nghiệp Thuật Yến được hỗ trợ 100 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến công tỉnh đã đầu tư mua mới thiết bị phục vụ sản xuất mì sợi.

Nhờ sự tiếp sức từ chương trình khuyến công địa phương, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Chiến, thôn 18, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã mạnh dạn đầu tư máy móc mới vào sản xuất sản phẩm ốc nhồi ống lam. Anh Nguyễn Văn Thắng, đại diện hộ kinh doanh cho biết, trước đây gia đình chỉ sản xuất nhỏ lẻ, cung ứng cho cửa hàng, đại lý trong tỉnh.

Năm 2024, từ nguồn hỗ trợ của Đề án khuyến công, cơ sở đã quyết định đầu tư máy móc mới gồm 1 máy đóng gói gia vị, 1 máy in phun, 1 băng tải inox dây chuyền sản xuất đáp ứng những đơn hàng lớn, đưa sản phẩm ra ngoài tỉnh. Việc đầu tư thêm thiết bị máy móc tiên tiến trong sản xuất đã mang lại hiệu quả cao cho cơ sở; công suất hơn 1 tấn/ngày, dự kiến doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng/năm.

Cơ sở cũng chú trọng hơn đến mẫu mã, bao bì sản phẩm, xây dựng thành thương hiệu Ốc nhồi ống lam Chiến Thắng. Qua đó, giúp sản phẩm của cơ sở có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện hỗ trợ chương trình khuyến công còn gặp nhiều khó khăn như: Hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn là hộ kinh doanh và doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp, rất khó tập trung vốn để đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro; trình độ quản lý của chủ các cơ sở còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc tiếp cận hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ.

Việc hỗ trợ các dự án đầu tư, phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng, cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế do nguồn vốn hỗ trợ cho các đề án khuyến công quốc gia và địa phương còn hạn hẹp. Chương trình khuyến công của tỉnh được phê duyệt theo giai đoạn 5 năm/lần nên việc chuyển đổi nội dung, phân bổ kinh phí hàng năm khó thực hiện…

Từ nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho nhiều cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.

Từ nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho nhiều cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, tăng cường hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; ưu tiên các đề án ứng dụng, dự án liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh, các đề án ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, tăng cường các nguồn kinh phí huy động, lồng ghép các ngoài nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để thực hiện các đề án điểm, đẩy mạnh hoạt động khuyến công. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hieu-qua-thiet-thuc-tu-hoat-dong-khuyen-cong-202922.html