Hiệu quả quản lý cây trồng tổng hợp

Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) là quy trình sản xuất kết hợp hài hòa giữa các biện pháp quản lý dinh dưỡng, dịch hại và kinh tế với mục tiêu đem lại lợi nhuận cao, bền vững, tránh sự lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, ít ảnh hưởng đến môi trường, được người dân trên địa bàn toàn tỉnh tích cực áp dụng trên nhiều loại cây trồng. Các biện pháp ICM góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mô hình quản lý cây trồng tổng hợp trên cây lúa gắn với dịch vụ BVTV tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê cho hiệu quả tốt.

Giảm nguy hại, tăng hiệu quả sản xuất

Phú Thọ có diện tích chè lớn trong cả nước với trên 16 nghìn ha, chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, người trồng chè đã quan tâm đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới do đó năng suất, chất lượng chè ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, người dân đã áp dụng biện pháp ICM trong trồng chè để có sản phẩm chất lượng, an toàn, xây dựng được thương hiệu chè Phú Thọ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với mục tiêu giảm thiểu mối nguy hại từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, phân bón vô cơ và tăng hiệu quả sản xuất chè, năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình ICM trên cây chè gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật tại khu Tân Long, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng.Mô hình được triển khai với quy mô năm héc ta, giống chè LDP1, PH1 15-16 năm với bốn hộ tham gia. Trong mô hình, ngoài bón phân chuồng ủ hoai mục, các hộ dân bón thêm 8.000kg phân vi sinh, giảm được nhiều phân vô cơ và bón sau mỗi lứa hái thay vì bón thành ba lần/năm như trước kia. Việc bón bổ sung phân vi sinh còn giúp cải tạo đất, hạn chế được các bệnh gây hại do nấm trong đất gây nên.

Mô hình ICM được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, bổ sung dinh dưỡng phù hợp, chú trọng bón phân vi sinh bổ sung vi sinh vật cho đất, do đó cây chè sinh trưởng, phát triển khỏe. Chiều cao cây chè tăng 7cm, cao hơn so với tập quán hai cm, độ rộng tán chè tăng 10,3cm, rộng hơn so với tập quán 2,5cm, chiều dài búp chè khi thu hoạch hái máy đạt trung bình 16,8cm, cao hơn so với tập quán 0,9cm. Đối với công tác phòng trừ sâu bệnh, mô hình được thực hiện theo hình thức dịch vụ BVTV, hàng kỳ phối hợp hướng dẫn các hộ dân điều tra, phát hiện sâu bệnh gây hại, biện pháp phòng trừ.

Có thể nói, việc áp dụng ICM gắn với tổ dịch vụ BVTV và tăng cường bón phân hữu cơ, bổ sung vi sinh vật trong đất giúp cây chè sinh trưởng, phát triển khỏe hơn, hạn chế sâu bệnh gây hại, giảm số lần phun thuốc BVTV hai lần/chu kỳ so với tập quán, giảm 1/2 lượng phân bón hóa học so với tập quán. Cùng với hình thức hái máy, mô hình cho sản lượng cao hơn, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo hệ thống canh tác bền vững, hài hòa, thân thiện với người nông dân.

Huyện Yên Lập triển khai mô hình ICM gắn với dịch vụ BVTV trên cây bưởi và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại HTX bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy. Với tổng diện tích 10ha cùng sự tham gia của 13 hộ trồng bưởi, sau khi mô hình được lựa chọn, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia, cấp phát sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây bưởi do Chi cục biên soạn, phát hành. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn biện pháp kỹ thuật: Làm cỏ, tưới nước giữ ẩm cho cây bưởi, tỉa cành, tạo tán, giúp loại bỏ những nhánh vô hiệu sau khi thu hoạch, bón phân hữu cơ kết hợp với phân vi sinh, phân hóa học theo tỉ lệ cân đối, theo khung thời gian phù hợp…

Để phòng trừ sâu bệnh, Chi cục đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ cách điều tra, phát hiện, thống nhất biện pháp phòng trừ, đồng thời chia sẻ thông tin sản phẩm phân bón, thuốc BVTV được phép sử dụng trong sản xuất bưởi VietGAP để lựa chọn sử dụng. Sau gần một năm thực hiện, các vườn bưởi có áp dụng ICM cho thấy, lượng quả cao hơn so với tập quán trung bình trên 20 quả/cây, tổng doanh thu của vườn bưởi áp dụng ICM đạt khoảng 220 triệu đồng/ha, cao hơn vườn tập quán trên 80 triệu đồng, lợi nhuận đạt khoảng 172 triệu đồng/ha, cao hơn 89 triệu đồng so với vườn tập quán. HTX bưởi Xuân Thủy đã được ISOCERT đánh giá, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được Cục BVTV cấp mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang thị trường Nga và Hoa Kỳ. Những kết quả tích cực từ mô hình ICM của HTX bưởi Xuân Thủy mang lại sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân rộng trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt ICM sẽ đưa cây bưởi trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Áp dụng quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trong trồng chè, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nên hệ thống canh tác bền vững, hài hòa, thân thiện với người nông dân.

Tiếp tục nhân rộng

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng hướng tiếp cận mới là ICM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực; triển khai một số mô hình ICM trên cây chè, lúa, cây ăn quả, tạo hiệu ứng tích cực để mở rộng diện tích ứng dụng ICM trên cây trồng, giảm được lượng thuốc, phân bón hóa học sử dụng. Các huyện xây dựng kế hoạch giai đoạn, hàng năm để tổ chức thực hiện; ban hành các văn bản về công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và quyết định phân bổ các nguồn vốn từ Chương trình xây dựng NTM, các chương trình dự án khuyến nông Trung ương; đào tạo tiểu giáo viên (TOT), huấn luyện nông dân đồng ruộng (FFS)...

Từ năm 2021 đến nay, đã đào tạo 823 lớp cho 36.476 lượt người tham gia về cây lúa, rau, chè, bưởi, chuối, ngô, phân bón, thuốc BVTV, lớp tập huấn chuyên môn gắn với kế hoạch triển khai sản xuất tại địa phương, tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật trong thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn cho sản xuất, kỹ thuật sản xuất an toàn (VietGAP, IPM),…

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm hóa chất sử dụng, hướng đến quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện 258 mô hình ứng dụng ICM với 17.435 hộ tham gia. Trong đó cây lúa 157 mô hình, cây chè chín mô hình, cây bưởi 20 mô hình, cây rau 24 mô hình, cây chuối sáu mô hình, các mô hình ICM khác gắn với thu gom bao gói thuốc BVTV, diệt chuột tập trung… 42 mô hình. Hiệu quả khi ứng dụng biện pháp ICM trong sản xuất đã góp phần giảm đáng kể sản lượng thuốc BVTV, trung bình mỗi năm sản lượng thuốc tiêu thụ trên địa bàn tỉnh 0,64 kg/ha/năm, lượng thuốc hóa học giảm 35-50%.

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Để thực hiện đảm bảo các mục tiêu trong quản lý cây trồng tổng hợp, các huyện, thành, thị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý nông nghiệp, người sản xuất; xây dựng các mô hình ICM gắn với thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và dịch vụ BVTV, nhân rộng từ các mô hình ICM có hiệu quả trong sản xuất đại trà; phát triển các tổ dịch vụ BVTV, đáp ứng nhu cầu sản xuất; tiếp tục lồng ghép các nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/hieu-qua-quan-ly-cay-trong-tong-hop/191764.htm