Hiệu quả hơn nhờ '5 tại chỗ'

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thủ tục, thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc thực hiện '5 tại chỗ' gồm: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại bộ phận một cửa các huyện, TP.

Rút ngắn thời gian giải quyết

Ngày 7/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định công bố danh mục TTHC tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại bộ phận một cửa cấp huyện. Theo đó có 12 thủ tục thuộc 4 lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Giáo dục và Đào tạo. Với cách giải quyết tại chỗ như vậy, thời gian giải quyết các thủ tục giảm từ 25% - 75% so với quy định. Đặc biệt là thủ tục cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ và hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ giảm từ 4 ngày xuống còn một ngày làm việc.

Để thực hiện, các huyện đã chủ động rà soát và cử cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa huyện, bảo đảm về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng giao tiếp và đạo đức tốt, có thể thực hiện thẩm định, phê duyệt TTHC tại chỗ khi được ủy quyền. Cùng đó đề xuất Công an tỉnh cấp con dấu thứ hai để giải quyết TTHC tại chỗ. Các huyện: Lục Nam, Hiệp Hòa, Tân Yên khi xây mới, sửa chữa bộ phận một cửa huyện đều bố trí thêm phòng làm việc, quầy bàn, máy quét tài liệu. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của người dân.

Nhờ giải quyết "5 tại chỗ", người dân nhanh chóng nhận kết quả tại bộ phận một cửa TP Bắc Giang.

Nhờ giải quyết "5 tại chỗ", người dân nhanh chóng nhận kết quả tại bộ phận một cửa TP Bắc Giang.

Những ngày đầu năm, số lượng người đến giao dịch giải quyết TTHC ở bộ phận một cửa TP Bắc Giang khá đông. Tại quầy giao dịch lĩnh vực Tài chính - Kế hoạch, ông Lê Ngọc Sơn ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) đến lấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Ông cho biết: “Chuẩn bị mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước giải khát nên tôi đã gọi điện đến bộ phận một cửa TP và được hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng. Mới hoàn thiện cuối chiều hôm qua sáng nay đã có kết quả, rất nhanh chóng, thuận lợi”. Đối chiếu quy định, thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh trả kết quả sau 3 ngày làm việc (đối với hồ sơ hợp lệ) song khi thực hiện “5 tại chỗ” thì thời gian giảm xuống còn một ngày.

Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 660 nghìn hồ sơ, trong đó tỷ lệ trả kết quả trước và đúng hạn đạt 99%.

Theo anh Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch TP, phòng có 5 thủ tục “5 tại chỗ”. Đây đều là thủ tục có thành phần hồ sơ đơn giản nên khi thực hiện quy trình khép kín tạo thuận lợi tối đa cho người dân và cán bộ làm việc về thời gian, công sức. Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng đã giải quyết gần 200 hồ sơ “5 tại chỗ” của thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh; tất cả đều trả trước hạn.

Giải quyết TTHC “5 tại chỗ” tức là toàn bộ quy trình từ tiếp nhận hồ sơ đến khi trả kết quả được thực hiện khép kín tại bộ phận một cửa, giúp nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực; tạo sự đổi mới, đột phá trong cải cách hành chính. Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 660 nghìn hồ sơ, trong đó tỷ lệ trả kết quả trước và đúng hạn đạt 99%.

Tiếp tục đưa thêm nhiều thủ tục giải quyết “tại chỗ”

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông), để việc giải quyết hiệu quả hơn, Sở đã hoàn thành việc kết nối, liên thông giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; chính thức áp dụng từ ngày 14/2/2023.

Các công đoạn được thực hiện trên môi trường số. Khi tiếp nhận hồ sơ trên mạng, nếu đủ điều kiện thì cán bộ sẽ chuyển vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. Sau đó, lãnh đạo phân công trên phần mềm cho cán bộ chuyên môn xử lý. Khi có kết quả, lãnh đạo đơn vị thực hiện ký số điện tử và đẩy tài liệu sang hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Tại đây cán bộ in kết quả, đóng dấu, trả trực tiếp hoặc gửi dịch vụ bưu chính cho tổ chức, công dân.

Người dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Lục Nam.

Người dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Lục Nam.

Ông Ngô Cường, cán bộ Văn phòng HĐND-UBND huyện Việt Yên, phụ trách bộ phận một cửa cho biết: “So với việc hằng ngày, cán bộ phải mất thời gian chuyển hồ sơ về phòng chuyên môn để đóng dấu rồi mới trả kết quả như trước đây thì nay có thể đóng dấu xác nhận bằng con dấu thứ hai ngay tại bộ phận một cửa. Ngoài ra, việc kết nối phần mềm cũng giúp huyện dễ dàng kiểm tra, theo dõi quy trình giải quyết thủ tục của các cơ quan từ bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả”. Tuy nhiên, để việc thực hiện “5 tại chỗ” thuận lợi hơn, huyện Việt Yên đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông sớm cấp thêm sim PKI phục vụ việc ký số trên điện thoại cho lãnh đạo cấp phòng. Như vậy việc xử lý hồ sơ thuận lợi hơn.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tăng số lượng TTHC thực hiện “5 tại chỗ”, nhất là ở cấp huyện. Để hoàn thành, các sở, ngành, UBND cấp huyện tích cực rà soát, tăng cường việc ủy quyền thẩm định và phê duyệt tại chỗ với các TTHC thuộc thẩm quyền của mỗi đơn vị. Trong đó tập trung lựa chọn những thủ tục có tính khả thi, phù hợp, sát sườn với tổ chức và người dân; hoặc thủ tục có thời gian giải quyết ngắn ngày, đơn giản, không liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.

Các huyện, TP ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc làm việc bảo đảm đồng bộ, phục vụ có hiệu quả việc giải quyết TTHC. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng con dấu thứ hai tại bộ phận một cửa.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/399764/hieu-qua-hon-nho-5-tai-cho-.html