Hiệu quả của các kỹ thuật cao trong y khoa

Sự phát triển không ngừng của y học hiện đại đã đem đến nhiều cơ hội trở về cuộc sống đời thường cho không ít bệnh nhân khi chẳng may mắc bệnh nặng.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau khi thực hiện kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần radio. Ảnh: H.Dung

Việc duy trì thường xuyên cũng như mạnh dạn triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong y khoa còn giúp nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho các bác sĩ. Qua đó, góp phần xây dựng uy tín của bệnh viện đối với người dân.

Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần

BS CKII Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, từ cuối tháng 5-2019 đến nay, bệnh viện đã triển khai khảo sát điện sinh lý tim, điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần radio cho hơn 400 bệnh nhân.

ThS-BS NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân, thời gian qua, các bác sĩ của bệnh viện đã mạnh dạn triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Qua đó, giúp nhiều bệnh nhân không phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, đỡ tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Đây là kỹ thuật cao được chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên. Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là bệnh viện đầu tiên của tỉnh, cũng là một trong số rất ít các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật này.

BS CKII Trần Minh Thành, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, rối loạn nhịp tim là bệnh lý thường gặp trong các bệnh về tim mạch, có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Những triệu chứng thường gặp của bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim là hồi hộp, trống ngực, khó thở, một số trường hợp có triệu chứng của suy tim.

Trước đây, bệnh viện thường điều trị rối loạn nhịp tim chủ yếu bằng thuốc hoặc máy tạo nhịp. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có loại thuốc chống loạn nhịp nào có thể điều trị triệt căn rối loạn nhịp tim nên bệnh nhân phải uống thuốc lâu dài. Kể từ khi triển khai kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp bằng sóng cao tần radio, sau khi khám, sàng lọc bệnh nhân, bệnh viện sẽ mời chuyên gia là TS-BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp học Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) xuống Đồng Nai hỗ trợ các bác sĩ của bệnh viện thực hiện.

Đây là phương pháp điều trị xâm lấn. Bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ vào trong buồng tim để thăm dò nhằm phát hiện các ổ rối loạn nhịp và cơ chế gây ra rối loạn nhịp. Sau đó triển khai triệt đốt các ổ rối loạn nhịp bằng sóng cao tần radio. Kết quả hơn 3 năm qua cho thấy, có từ 96-98% bệnh nhân thực hiện kỹ thuật này lành bệnh vĩnh viễn, không cần điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp như trước kia.

Theo BS Thành, để thực hiện thành công kỹ thuật này đòi hỏi bệnh viện phải được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại. Hiện nay, Khoa Tim mạch can thiệp đã được đầu tư một hệ thống máy DSA, hệ thống thăm dò điện sinh lý, cắt đốt điện sinh lý, đáp ứng yêu cầu. Về nhân lực, có 4 bác sĩ cùng ê-kíp điều dưỡng, kỹ thuật viên được cử đi học và thực hành tại bệnh viện TP.HCM từ năm 2017. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cử thêm các bác sĩ đi học để có thể triển khai triệt đốt những ổ rối loạn nhịp tim phức tạp hơn bằng phương pháp lập bản đồ giải phẫu điện cực 3D.

Mổ kết hợp 2 xương đùi cùng lúc trên nền bệnh nhân bị đa chấn thương

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thực hiện thành công ca phẫu thuật khó, cứu sống bệnh nhân bị đa chấn thương, chấn thương sọ não, dập phổi.

BS CKII Phạm Văn Khương, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, bệnh nhân 16 tuổi, nhập viện tối 14-2 trong tình trạng lơ mơ, mặt biến dạng do gãy xương hàm, 2 đùi bị gãy lìa đã được các bác sĩ tuyến dưới đặt nẹp cố định. Kết quả xét nghiệm lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị gãy 2 xương đùi, chấn thương sọ não, dập phổi phải, gãy xương hàm, mức độ rất nặng, nguy cơ sốc rất cao do mất máu nhiều, đau nhiều. Đây là hậu quả của vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà bệnh nhân vừa trải qua.

Nhận thấy tình trạng bệnh của con rất nặng, gia đình bệnh nhân đòi chuyển con lên tuyến trên ở TP.HCM. Tuy nhiên, nếu chuyển bệnh nhân đi ở thời điểm đó sẽ rất nguy hiểm vì vấn đề mất máu và những sự cố khác. Do vậy, các bác sĩ của bệnh viện đã thuyết phục gia đình, giữ bệnh nhân ở lại.

“Sau khi gia đình đồng ý, bệnh nhân ngay lập tức được chuyển đến phòng hồi sức, truyền 2 đơn vị máu, cho thở oxy, dùng thuốc giảm đau” - BS Khương nhớ lại.

6 ngày sau đó, khi phổi và sọ não của bệnh nhân ổn định, các bác sĩ quyết định mổ kết hợp 2 xương đùi cho bệnh nhân nhằm giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường.

“Trước giờ bệnh viện mới chỉ thực hiện kết hợp xương 1 đùi trong 1 cuộc mổ, chưa từng thực hiện mổ kết hợp 2 xương đùi trong cùng 1 cuộc mổ nào vì nguy cơ tai biến rất cao. Hơn nữa, bệnh nhân này lại bị đa chấn thương, dập phổi, chấn thương sọ não nên nguy cơ càng cao hơn. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tuyến trên cùng sự hỗ trợ của lãnh đạo bệnh viện, sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê kíp, các bác sĩ đã đóng 2 đinh Rush 4mm vào đùi trái, sau đó đóng 2 đinh E lastic 3,5mm vào đùi phải cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân bình phục ngoạn mục” - BS Khương cho hay.

Cũng theo BS Khương, trong ca mổ này, vai trò của ê-kíp gây mê và hồi sức rất lớn. Bởi nếu gây mê không tốt, bệnh nhân đang bị chấn thương sọ não và dập phổi có khả năng sẽ bị phù não suy hô hấp trong mổ. Khi đó, việc hồi phục sẽ rất khó khăn.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202303/hieu-qua-cua-cac-ky-thuat-cao-trong-y-khoa-3159091/