Hiệu quả chính sách dân tộc ở Yên Châu

Huyện Yên Châu có 5 dân tộc anh em sinh sống, gồm: Thái, Kinh, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78% dân số toàn huyện. Những năm qua, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Yên Châu hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo dân tộc thiểu số xã Yên Sơn phát triển kinh tế.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Yên Châu hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo dân tộc thiểu số xã Yên Sơn phát triển kinh tế.

Ông Lừ Văn Chung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Châu, thông tin: Toàn huyện có 14 xã, 1 thị trấn, trong đó có 7 xã khu vực III, 91 bản đặc biệt khó khăn, 9 xã được thụ hưởng Chương trình 135. Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và lồng ghép với các chương trình khác, huyện Yên Châu đã hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi, đường giao thông, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, lớp học... vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, huyện đã hỗ trợ hơn 290 nghìn cây giống cây ăn quả, hơn 7.600 con giống các loại và gần 100 tấn phân bón cho 2.423 hộ.

Thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã giải ngân trên 5,4 tỷ đồng để phát triển kinh tế và hỗ trợ dụng cụ đựng nước sinh hoạt cho 392 hộ. Ngoài ra, hằng năm, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng nguồn thu nhập, xóa đói, giảm nghèo...

Ông Hoàng Văn Đao, bản Chủm, xã Chiềng Đông, là hộ nghèo dân tộc thiểu số được đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, ông Đao chia sẻ: Gia đình tôi được quan tâm hỗ trợ 300 cây giống để cải tạo vườn cây ăn quả, đến nay đã cho thu hoạch năm thứ hai. Từ vườn cây ăn quả và nuôi trâu, bò mỗi năm gia đình thu được khoảng 60-70 triệu, gia đình tôi mới được công nhận thoát nghèo.

Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chính quyền các cấp trong huyện chăm lo thực hiện tốt. Ông Sồng Lao Khua, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng On, cho biết: Hằng tháng, người uy tín được xã mời đến giao ban cung cấp thông tin, tuyên truyền việc giữ gìn môi trường, bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, xây dựng bản, gia đình văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội; chia sẻ kinh nghiệm hay để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, 90% hộ gia đình ở xã, bản đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 14 xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT; 100% xã đặc biệt khó khăn có Trạm y tế đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã đặc biệt khó khăn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 2 bản hoàn thành mục tiêu chương trình 135, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của toàn huyện từ 62% năm 2016 xuống còn 38,91% năm 2020.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-chinh-sach-dan-toc-o-yen-chau-37766