Hiểu đúng về tài chính tiêu dùng

Dù tài chính tiêu dùng tại các công ty tài chính là hoạt động tài chính hợp pháp và được quản lý chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước cùng các thông tư, nghị định, song vẫn nhiều người đang lầm tưởng, thậm chí đánh đồng tài chính tiêu dùng với tín dụng đen.

Tài chính tiêu dùng thúc đẩy kinh tế - xã hội

Tín dụng tiêu dùng đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với người dân, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động nhưng thu nhập thấp hoặc thu nhập không ổn định. Theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng có vai trò đặc biệt quan trọng với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Với người dân, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân, đặc biệt cũng làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn thì tài chính tiêu dùng có hai tác động là đáp ứng về vốn và thứ hai giúp các hộ kinh doanh này quay vòng đồng vốn nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Còn với nền kinh tế, tiêu dùng cá nhân đang chiếm 67-78% GDP nên tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng tiếp theo là góp phần phát triển thị trường tài chính chung và đặc biệt với xã hội nó giúp giảm tệ nạn tín dụng đen.

Tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, đặc biệt cũng giúp quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.

Dẫu vậy, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn rất hẹp, đến 30/6/2017 mới đạt khoảng 744 nghìn tỷ tương đương 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Và xét về đóng góp vào GDP thì tỷ trọng chẳng đáng là bao. Trong khi đó so sánh với các nước, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam cũng còn quá nhỏ bé, chẳng hạn ở Mỹ, theo TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc Dân, tín dụng tiêu dùng đang đóng góp khoảng 23% vào GDP của nền kinh tế đứng đầu thế giới này.

Cần nâng cao nhận thức của người dân để phát triển tài chính tiêu dùng

Ngoài quy mô còn nhỏ bé, ở Việt Nam nhiều người vẫn còn lầm tưởng tín dụng tiêu dùng hay cho vay trả góp là tín dụng đen, nên đâu đó vẫn còn những cái nhìn thiếu thiện cảm. Trong khi đó thực tế tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính là hoạt động được cấp phép và quản lý bởi các thông tư, nghị định và giám sát rất chặt chẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước. Thống kê của TS. Cấn Văn Lực cho thấy dải lãi suất của cho vay tiêu dùng hiện khoảng 20% – 50%/năm, và các mức lãi suất này đều có cơ sở và phù hợp với mọi quy định, trong khi tín dụng đen thường bị xã hội xa lánh bởi lãi suất ở mức có thể vài trăm phần trăm, chưa kể đến những hệ lụy khác với bản thân người vay và gia đình có thể xảy ra do tác động của tín dụng đen mang lại.

Nói về sự lầm tưởng với tín dụng đen khiến cho hoạt động tài chính tiêu dùng tới người dân còn yếu và còn thiếu, theo TS. Đỗ Hoài Linh, để giải quyết vấn đề này thì cách thức duy nhất là làm sao để đưa thông tin về tài chính tiêu dùng đến với mỗi người dân thật đúng và thật đủ.

TS. Linh đề xuất hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là nhóm giải pháp ngắn hạn đến từ việc thực hiện tuyên truyền để mọi người dân trước là biết đến, sau là hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng, lợi ích của tín dụng tiêu dùng.

“Hơn ai hết, công cụ truyền thông hiệu quả nhất chính là truyền thông từ những khách hàng hiện tại của tài chính tiêu dùng. Nếu có được sản phẩm tốt, làm hài lòng, thì phản hồi từ phía khách hàng hiện tại tới những người xung quanh sẽ là kênh hiệu quả và lâu bền. Do đó, mỗi nhà cung cấp tài chính tiêu dùng đều phải minh bạch, chuyên nghiệp, chủ động công khai và hướng dẫn chi tiết các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, giải đáp tận tình những thắc mắc của khách hàng. Không những thế, công ty tài chính cần phải là tư vấn chính xác cho khách hàng theo từng trường hợp cụ thể”, TS. Linh nói.

Bà Đỗ Hoài Linh lấy ví dụ, những trường hợp mà khách hàng đang có tỷ lệ thanh toán nợ vay/tổng thu nhập lớn hơn 20% thì hãy khuyên khách hàng không nên tiếp tục vay vốn, cần tư vấn cho họ cấu trúc lại chi tiêu để giảm bớt gánh nặng tài chính… Việc làm này còn giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng quản trị rủi ro, tránh phát sinh nợ xấu trong tương lai. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng có thể sử dụng các công cụ truyền thông như thiết kế các chương trình trò chơi tương tác, nội dung tư vấn… trên radio/truyền hình với nội dung liên quan mật thiết với tài chính tiêu dùng.

Giải pháp mang tính dài hạn hơn đến từ giáo dục, theo vị TS chuyên ngành tài chính ngân hàng, chúng ta nên đưa các kiến thức của tài chính cá nhân vào khung đào tạo, trải dần từ bậc phổ thông đến đại học, việc này nhằm mục đích trang bị kiến thức về tài chính, kiến thức về quản lý chi tiêu, các sản phẩm tài chính… để từ đó mỗi cá nhân là nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn đúng sản phẩm, đúng nhà cung cấp và cân đối khả năng tài chính khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Tựu chung lại, TS. Linh cho rằng việc giúp người dân và xã hội hiểu đúng về bản chất của tín dụng tiêu dùng là con đường nhanh nhất và đúng nhất thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển.

Thu Hằng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hieu-dung-ve-tai-chinh-tieu-dung-d62104.html