Thị trường châu Á biến động ngược chiều khi chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ

Giá dầu tăng trong chiều 15/5 do kỳ vọng nhu cầu cao hơn, khi đồng USD suy yếu và một báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ giảm.

Giá dầu đi lên do kỳ vọng nhu cầu tăng

Trạm bơm dầu thô tại giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Trạm bơm dầu thô tại giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu tăng trong chiều 15/5 do kỳ vọng nhu cầu cao hơn, khi đồng USD suy yếu và một báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ giảm.

Ngoài ra, báo cáo lạm phát sắp công bố có thể cho thấy một triển vọng kinh tế có lợi hơn cho giá dầu cũng giúp “vàng đen” đi lên trong phiên này.

Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 51 xu (tương đương 0,6%) lên mức 82,89 USD/thùng lúc 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 55 xu (0,7%) lên 78,57 USD / thùng.

Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ hôm 14/5, lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3,104 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/5. Lượng dự trữ xăng cũng giảm 1,269 triệu thùng trong khi lượng sản phẩm chưng cất tăng 673.000 thùng.

Báo cáo chính thức của cơ quan quản lý Mỹ sẽ được công bố vào muộn ngày 15/5. Nhiều khả năng báo cáo này cũng cho thấy lượng dầu thô dự trữ tại Mỹ giảm, do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu tăng trước mùa lái xe cao điểm trong dịp nghỉ Hè.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cũng sẽ được công bố vào thứ Tư. Giới quan sát jy vọng báo cáo sẽ đưa ra dấu hiệu rõ ràng hơn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay hay không. Nếu kịch bản này xảy ra, nền kinh tế Mỹ sẽ nhận được động lực tăng và thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.

Nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho biết giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD yếu hơn và các biện pháp kích thích từ Trung Quốc. Việc đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu – loại hàng hóa được tính giá theo USD – trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Bà nói thêm rằng chỉ số CPI của Mỹ và dữ liệu kinh tế của Trung Quốc là yếu tố then chốt thúc đẩy giá dầu trong phần còn lại của tuần này. Dự kiến Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu hoạt động kinh tế vào thứ Sáu (17/5).

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều

Thị trường châu Á chât vật tìm hướng đi trong phiên 15/5 trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát quan trọng vào cuối ngày.

Tại Nhật Bản, chứng khoán nước này đóng cửa tăng nhẹ vào thứ Tư khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi số liệu từ Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 chuẩn tại Tokyo tăng 0,08% - tương đương 29,67 điểm và kết thúc ở mức 38.385,73 điểm.

Các thị trường Sydney, Taipei và Jakarta cũng tăng trong phiên này.

Ngược lại, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite Index giảm 0,82% (25,87 điểm) xuống 3.119,9 điểm. chứng khoán. Tương tự, chứng khoán Singapore, Wellington, Mumbai, Bangkok và Manila lại giảm. Các thị trường Hong Kong và Seoul đóng cửa nghỉ lễ.

Ngoài việc theo dõi số liệu kinh tế sắp được công bố, giới đầu tư cũng đang chú ý tới lời cảnh báo từ Chủ tịch Fed rằng cuộc chiến chống lạm phát đang tỏ ra khó khăn hơn dự kiến.

Cũng có một số lo lắng trên các sàn giao dịch sau khi Bắc Kinh phản đối quyết định của Washington về áp đặt mức tăng thuế mạnh đối với hàng nhập khẩu từ nước này, như xe điện và chất bán dẫn.

Nhưng mọi sự tập trung đều tập trung vào việc công bố CPI của Mỹ - chỉ số có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết định của Fed về thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất khả thi trong năm nay.

Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index tăng 11,11 điểm, hay 0,89%, lên 1.254,39 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 1,83 điểm, hay 0,77%, lên 236,78 điểm.

Giá vàng ít biến động khi thị trường chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ

Giá vàng ít biến động trong chiều 15/5 khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, nhằm tìm ra manh mối về quỹ đạo cắt giảm lãi suất của Fed.

Theo đó, giá vàng giao ngay giữ vững ở mức 2.359,99 USD/ounce vào lúc đầu giờ chiều Việt Nam và giao dịch trong phạm vi hẹp 6 USD, sau khi đã tăng 1% vào thứ Ba.

Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,2% lên 2.365,50 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường Kyle Rodda tại chuyên trang tài chính Capital.com cho biết giá vàng hiện phụ thuộc vào dữ liệu. Nếu CPI của Mỹ bắt đầu giảm, điều đó sẽ là thông tin tích cực đối với vàng. Kim loại quý này đang có vị thể tận dụng động lực tích cực đó nhờ vào khả năng phục hồi của nó cho đến thời điểm này. Nhưng nếu CPI tăng cao hơn dự kiến, điều đó sẽ thực sự làm rung chuyển tất cả các thị trường và làm xói mòn niềm tin rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Báo cáo việc làm tháng Tư yếu hơn dự kiến tại Mỹ đã làm tăng kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất vào tháng 9.

Vàng thường được coi như một biện pháp phòng ngừa khi lạm phát phi mã. Song giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, nhưng lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.

Tại Việt Nam, chiều 15/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,70 – 90,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Hương Thủy/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-chau-a-bien-dong-nguoc-chieu-khi-cho-doi-so-lieu-kinh-te-my-20240515174516609.htm